Toàn huyện hiện có trên 4.000 hộ đồng bào DTTS, tập trung ở 3 xã: Phước Nam, Phước Ninh và Phước Hà. Thời gian qua, huyện chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ đặc thù của nhà nước dành cho đồng bào DTTS, giúp người dân tiếp cận nhiều mô hình mới, tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2016 đến nay, bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, huyện hỗ trợ 66 con bò cho 43 hộ ở thôn Phước Lập (xã Phước Nam), thôn Vụ Bổn, Tân Bổn (xã Phước Ninh) thực hiện mô hình nuôi bò vỗ béo, kinh phí trên 700 triệu đồng; cấp 19 con bò cho hộ nghèo nuôi sinh sản ở thôn Rồ Ôn (xã Phước Hà) với số tiền 300 triệu đồng. Ngoài ra, hỗ trợ chuyển đổi nghề theo Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ cho 148 hộ, với kinh phí 920 triệu đồng; gần 150 hộ được cấp đất sản xuất và đất ở; trên 28 tỷ đồng vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội dành cho hàng ngàn hộ DTTS vay ưu đãi phát triển sản xuất…
Nông dân Thuận Nam đầu tư phát triển diện tích trồng ớt, nâng cao thu nhập.
Trên cơ sở nguồn vốn phân bổ, huyện Thuận Nam tập trung rà soát, đánh giá tiềm năng cụ thể, xây dựng kế hoạch lồng ghép hiệu quả nguồn lực gắn phát triển sản xuất theo thế mạnh từng vùng. Điển hình như xã Phước Nam, với thế mạnh về chăn nuôi gia súc, để giúp bà con tăng thu nhập, xã triển khai nhiều mô hình chăn nuôi có hiệu quả; trong đó, nổi lên mô hình nuôi bò vỗ béo, khẳng định được giá trị kinh tế cao và được nông dân đón nhận. Nếu như năm 2013, có 22 hộ nghèo dân tộc Chăm ở thôn Phước Lập được hỗ trợ 500 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện thí điểm mô hình, thì nay đã có hàng trăm hộ trên địa bàn tham gia. Anh La Hải Xuân Lãm, ở thôn Văn Lâm 4, cho biết: Ưu điểm của mô hình là đầu tư ít, chu kỳ quay vòng nhanh, bò nuôi trong vòng 3 tháng có thể xuất chuồng, thu nhập ổn định hơn… Ngoài ra, mô hình nuôi dê, cừu sinh sản, heo đen đang có xu hướng phát triển mạnh ở các địa phương, nhiều nông hộ mạnh dạn đầu tư chuồng trại quy mô, mở rộng diện tích trồng cỏ, đảm bảo nguồn thúc ăn cho đàn gia súc, đem lại thu nhập cao.
Cùng với đó, công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cũng được chú trọng. Từ đầu năm tới nay, toàn huyện tạo việc làm mới cho 523 lao động là DTTS, đạt 80,5% kế hoạch năm; có 13 người đi xuất khẩu lao động tại thị trường Malaisia, Ả rập-Xê út, đạt 300% kế hoạch tỉnh giao. Bằng các giải pháp đồng bộ, đến nay hộ nghèo DTTS trên địa bàn giảm còn 613 hộ, hộ cận nghèo còn 483 hộ. Các công trình phúc lợi phục vụ cộng đồng, như: Chợ, trường học, trạm y tế, hệ thống nước sạch… từng bước đầu tư hoàn thiện.
Đồng chí Nguyễn Thị Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam, cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững vùng DTTS; thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy nhanh thực hiện các chính sách hỗ trợ đến người dân. Đồng thời, lựa chọn, quy hoạch vùng trồng trọt, chăn nuôi theo thế mạnh; áp dụng khoa học-kỹ thuật trong sản xuất; phấn đấu bình quân giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS đạt 4%/năm.
Hồng Lâm