Những ngày cuối năm, chúng tôi đến thăm Trại giam Sông Cái, đóng trên địa bàn xã Phước Tân (Bác Ái) không khí lao động nơi đây đầy vui vẻ, tích cực giữa các phạm nhân, cùng sự hướng dẫn tận tình của đội ngũ cán bộ quản giáo đã tạo nên môi trường gần gũi, thân thiện, nhờ đó, giúp phạm nhân cảm nhận rõ hơn giá trị đích thực của bản thân, tích cực cải tạo, mong sớm trở về với gia đình. Hiện nay, Trại giam Sông Cái quản lý, cải tạo 1.753 phạm nhân, trong đó phần lớn phạm nhân nằm trong lứa tuổi rất trẻ, có nhiều suy nghĩ xốc nổi, lệch lạc trong hành vi. Vì thế, thời gian đầu khi mới thụ án, hầu hết phạm nhân của trại đều có tâm lý chán nản, suy nghĩ tiêu cực, đôi khi có những hành động chống đối quyết liệt đối với cán bộ quản giáo. Đây được xem là khoảng thời gian đầy khó khăn và thử thách đối với đội ngũ cán bộ quản giáo nhằm khơi dậy “mầm thiện”, giúp họ sớm trở lại với đời thường.
Cán bộ Trại giam Sông Cái ủng hộ quỹ Tấm lòng vàng hỗ trợ phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Mang án phạt 7 năm 6 tháng tù vì tội mua bán trái phép chất ma túy, phạm nhân Nguyễn Ngọc Linh (SN 1992) đã tự mình khép lại hoài bão của một thanh niên khi mới bước qua tuổi đôi mươi. Từng có quá khứ bất hảo, Linh nghỉ học sớm rồi một mình khăn gói vào TP. Hồ Chí Minh kiếm sống. Những ngày tháng lười lao động cùng những cuộc vui thâu đêm, suốt sáng đã đẩy Linh lao vào con đường buôn bán chất ma túy. Năm 2015, khi mới được đưa vào Trại giam Sông Cái cải tạo, Linh thường có những hành động chống đối lại cán bộ quản giáo, không tuân theo các quy định của trại. Nắm bắt rõ tâm tư của thanh niên bị phạt án dài, không có người nhà đến thăm, cán bộ quản giáo đã động viên, khuyên can Linh thông qua những buổi nói chuyện hết sức nhẹ nhàng. Từ đó dần dần Linh gần gũi với mọi người trong phân trại, chăm chỉ lao động và tham gia tích cực các hoạt động của đơn vị. Ngẫm lại thời gian qua, Linh vô cùng hối tiếc: “Quá khứ đã qua và không thể thay đổi được nó, nhưng hiện tại thì phải biết trân trọng, 3 năm ở trại tuy còn nhiều thử thách, nhưng đây chính là thời gian có ý nghĩa của tôi vì mỗi câu chuyện, từng hành động của cán bộ đã truyền cho tôi năng lượng sống tích cực, niềm tin tốt đẹp vào tương lai. Tôi sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để được trở về bên gia đình”.
Có chứng kiến tận mắt công việc hằng ngày của những người quản giáo nơi đây, chúng tôi mới hiểu được sự tận tâm, cùng những hy sinh thầm lặng của họ trong hành trình lấy nhân tâm thu phục lòng người. Hình ảnh những cán bộ quản giáo cầm tay nắn từng con chữ cho những phạm nhân đáng tuổi cha, mẹ họ bằng sự ân cần, hay hình ảnh người quản giáo chăm sóc các phạm nhân bị nhiễm HIV/AIDS, làm chúng tôi hết sức cảm động. Có lẽ chính vì những tình cảm hết sức thân thiện trên đã làm lay động, cảm hóa những phạm nhân “bất kham”. Là người theo dõi nhiều trường hợp, ngày đầu phạm nhân chống đối kịch liệt, nhưng sau đó lại là những gương tiêu biểu trong cải tạo, Thiếu tá Nguyễn Kiều Cơ, Đội trưởng Đội Giáo dục-Hồ Sơ chia sẻ: Trong môi trường sống tách biệt với cộng đồng, thiếu tình yêu thương của gia đình, thì sự quan tâm, động viên của cán bộ trại giam chính là điểm tựa để phạm nhân bước đến cánh cửa hoàn lương. Đối với phạm nhân, chúng tôi không chỉ là cán bộ quản giáo mà có những lúc phải trở thành những người thân, người bạn biết lắng nghe và thấu hiểu, từ đó, giải quyết những vướng mắc trong suy nghĩ, hành động của họ.
Khi bước qua ngưỡng cửa đầu tiên của mặc cảm, tự ti, sự quan tâm, yêu thương của gia đình cùng sự động viên, giúp đỡ của cán bộ quản giáo chính là động lực tiếp theo để phạm nhân đứng dậy làm lại cuộc đời. Trong rất nhiều biện pháp giáo dục cải tạo phạm nhân, việc phối hợp với gia đình phạm nhân là một trong những giải pháp đem lại hiệu quả nhất. Trung tá Phan Hồng Lam, Giám thị Trại giam Sông Cái cho biết: Mặc dù phạm nhân đã mất đi quyền công dân, nhưng họ vẫn xứng đáng có được quyền yêu thương, quan tâm của gia đình. Chính từ nền tảng đó, đơn vị đã tạo điều kiện cho các gia đình gặp gỡ, thăm hỏi phạm nhân. Bằng sợi dây liên kết mật thiết giữa các thành viên trong gia đình tạo nên ý chí phấn đấu của phạm nhân. Trong đó, mô hình “bữa cơm gia đình” được xem là bước tiến mới của đơn vị nhằm cảm hóa người lầm lỗi. Cùng với đó, công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cho phạm nhân cũng đóng vai trò quan trọng. Tìm kiếm được sở trường của từng phạm nhân, từ đó, Ban Giám thị trại giam định hướng họ đến những công việc phù hợp để lao động tại trại. Đây là mấu chốt để phạm nhân có nền tảng công việc trước khi được trở về cộng đồng.
Dẫu hành trình hoàn lương của nhiều phạm nhân còn nhiều thử thách và khó khăn, nhưng chúng tôi tin rằng bằng sự nỗ lực của cả hai phía trại giam và phạm nhân, con đường hoàn lương của phạm nhân sẽ nhanh chóng được rút ngắn, để họ sớm trở về cuộc sống đời thường, trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Lê Thi