Để tập hợp, tăng cường và phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu cách mạng giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của Thực dân Pháp, ngày 18-11-1930, Đảng và Bác Hồ đã sáng lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức tổ chức tiền thân của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, ngày nay là Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào yêu nước của khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trải qua 88 năm xây dựng và phát triển, cùng với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam qua từng thời kỳ, MTTQ Việt Nam đã phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc ta, không ngừng được củng cố, mở rộng, khơi dậy tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân. Từ ngày nước nhà thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, MTTQ Việt Nam đã động viên nhân dân tăng cường đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức giành nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đưa đất nước chuyển sang thời kỳ phát triển mới theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tại Ninh Thuận, từ những ngày đầu của cách mạng, vào những năm 1930-1936, Mặt trận Dân tộc Thống nhất đã có ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào cách mạng của địa phương. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất (từ 1975 -1992), tổ chức MTTQ các cấp trong tỉnh nhanh chóng được củng cố. Từ khi tái lập tỉnh (4-1992) đến nay, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết tập hợp chặt chẽ trong MTTQ, mà hạt nhân lãnh đạo là Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp đổi mới của quê hương, đất nước.
Trong những năm qua, nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng Cuộc vận động
“Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”
Trong ảnh: Nông thôn mới xã Phước Thái (Ninh Phước) ngày càng khởi sắc. Ảnh: Sơn Ngọc
Phát huy truyền thống cách mạng ấy, trong những năm qua, MTTQ các cấp ở tỉnh ta đã vận động xây dựng đoàn kết thống nhất trong đồng bào các dân tộc và đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo, mở rộng và nâng cao các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân; thực hiện các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt nhiều kết quả. Đặc biệt qua 3 năm (2016 - 2018) thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Mặt trận các cấp tổ chức ký kết chương trình phối hợp với UBND, các tổ chức đoàn thể về thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020 gắn với phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020. Theo đó, nhân dân ở các khu dân cư giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xoay vòng vốn tiết kiệm hơn 48,5 tỷ đồng, hỗ trợ nhau gần 30 ngàn ngày công, tự nguyện đóng góp gần 50 tỷ đồng, hiến tặng hàng trăm ngàn m2 đất, đá, vật tư các loại để bê tông hoá kênh mương nội đồng, đường giao thông nông thôn, đèn chiếu sáng theo chương trình “Thắp sáng đường quê” …
Thực hiện đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Mặt trận các cấp vận động nhân dân tham gia đóng góp xây dựng, bảo vệ các công trình văn hóa lịch sử, thể thao, vui chơi, giải trí, từng bước nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa của người dân. Hằng năm, trong tổng số hộ đăng ký đầu năm có 90,1% gia đình đạt chuẩn “Gia đình văn hóa”. Đến nay, có 316/402 khu dân cư được công nhận khu dân cư văn hóa, đạt 78,6%; 17/47 xã được công nhận xã nông thôn mới, 7/18 phường, thị trấn đạt chuẩn “Văn minh đô thị” và 398/402 khu dân cư đã xây dựng được quy ước, hương ước. Công tác chăm sóc gia đình chính sách, người có công được quan tâm thường xuyên, nhân dân đã đóng góp được gần 3,7 tỷ đồng, đã xây dựng và sửa chữa 358 nhà tình nghĩa, tặng hàng trăm sổ tiết kiệm trị giá hàng trăm triệu đồng, có trên 6.529/6.595 gia đình chính sách và người có công được chăm sóc tốt hơn về vật chất và tinh thần, có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình dân cư nơi cư trú.
Trong thời gian đến, trước yêu cầu tuyên truyền Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2019-2024, tiến tới Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ và các thành viên của Mặt trận các cấp trong tỉnh tiếp tục làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tăng cường đoàn kết tập hợp các tầng lớp nhân dân, làm cho mọi người dân, mọi thành phần xã hội, dân tộc, tôn giáo hiểu rõ đường lối, chủ trương chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng. Tiếp tục vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, chăm lo tốt hơn an sinh xã hội, thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thực hiện thắng lợi cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”.
Kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, MTTQ các cấp trong tỉnh nguyện đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, cống hiến tài năng, trí tuệ và công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Phan Hữu Đức, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh