Thủ tướng chủ trì họp Thường trực Chính phủ về các dự án BOT

Ngày 8-11, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã họp, nghe báo cáo về việc rà soát các dự án BOT và các tồn tại, vướng mắc.

Các ý kiến phát biểu tại cuộc họp đều nhất trí rằng, việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa theo hình thức BOT đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông là chủ trương đúng đắn mà không làm thì khó huy động được các nguồn lực trong bối cảnh cơ sở hạ tầng còn yếu kém và việc di chuyển bằng đường bộ vẫn là chủ yếu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, còn có một số bất cập, tồn tại như về vị trí đặt trạm thu phí, mức giá, thời gian thu. Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các cơ quan liên quan đã tăng cường kiểm tra, quản lý, cơ bản khắc phục các hạn chế nhưng vẫn còn những vấn đề cần giải quyết dứt điểm.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông vận tải nói riêng theo hình thức BOT là cần thiết, phù hợp với Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương. Chúng ta cần xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực trong khi nguồn vốn nhà nước đang thiếu. “Thế giới người ta cũng áp dụng phương thức này mạnh mẽ”, Thủ tướng cho hay.

Thời gian qua, Bộ GTVT đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội để thực hiện hình thức đầu tư công – tư (PPP), trong đó có BOT. Bộ GTVT đã chủ động, nỗ lực rà soát các dự án BOT, tập trung vào các nội dung như vị trí trạm thu phí, chi phí và hiệu quả các dự án BOT.

Thủ tướng đánh giá cao việc khắc phục tình trạng phức tạp an ninh trật tự ở một số trạm BOT và việc Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán các trạm để từ đó, loại bỏ các chi phí bất hợp lý.

Nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục tập trung khắc phục triệt để các tồn tại, bất cập trong các dự án BOT, Thủ tướng nêu rõ chủ trương là cần bảo đảm quyền lợi của cả nhà nước, nhà đầu tư, người dân; cụ thể, cần bảo đảm công khai, minh bạch; có phương án tài chính đúng đắn, không đẩy chi phí đầu tư lên quá cao, thu dồn dập, mức giá không phù hợp với người dân nhưng cũng không vì thế mà đẩy khó khăn cho nhà đầu tư.

Cho rằng cần nghiên cứu giải pháp tổng thể, toàn diện đối với các dự án BOT, Thủ tướng lưu ý việc giải quyết dứt điểm các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan đến các dự án BOT giao thông.

Bảo đảm an ninh trật tự đối với các trạm BOT, kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng gây rối, làm mất an ninh trật tự.

Về thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng, Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ GTVT tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng và Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội về vấn đề này.

Bộ GTVT kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm toàn diện hoạt động thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng trên toàn quốc, bảo đảm lộ trình chuyển sang thu phí tự động đã được phê duyệt.

Thủ tướng nhấn mạnh việc cần phải lắng nghe xử lý, giải quyết đến nơi đến chốn những tồn tại, vướng mắc đối với các trạm BOT, không để xảy ra vụ việc gây bức xúc xã hội.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện Bộ GTVT đang quản lý 63 dự án BOT. Trong năm 2017, Bộ GTVT đã dừng chủ trương đầu tư 13 dự án đang nghiên cứu hoặc mới phê duyệt đề xuất dự án trên các đường hiện hữu.

Từ năm 2014 đến nay, Bộ GTVT đã chủ động phối hợp với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành thanh tra, kiểm toán tất cả các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Đến nay đã có 48 kết luận thanh tra đối với 50 dự án, 61 kết luận kiểm toán đối với 55 dự án (có dự án thanh tra, kiểm toán 2 lần). Trên cơ sở kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm toán, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục cập nhật, rà soát, kiểm tra tính hợp pháp, hợp lý của các chi phí đầu tư xây dựng trong quá trình thẩm định dự toán và quyết toán dự án, đảm bảo đúng các qui định của pháp luật.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, sự phối hợp của các bộ, Bộ GTVT đã phối hợp với các địa phương và các nhà đầu tư BOT tiến hành rà soát các bất cập và có các giải pháp xử lý đồng bộ tại các dự án BOT. Cụ thể, giảm phí chung cho các phương tiện tại các dự án có phương án tài chính đảm bảo khả thi; miễn, giảm phí cho các phương tiện quanh trạm thu phí tại hầu hết các dự án BOT có bất cập. Đưa vào hoạt động trang thông tin điện tử để công khai thông tin liên quan đến các dự án tại địa chỉ www.ppp.mt.gov.vn. Đẩy mạnh thu phí tự động (đến nay đã lắp đặt và vận hành thương mại được 25 trạm, đang lắp đặt 5 trạm, phấn đấu hết 2019 lắp đặt thu phí tự động tại tất cả các trạm).

Nguồn: chinhphu.vn