Nhạc trẻ “bức tử” tiếng Việt

Hiện nay, vấn đề sử dụng tiếng Việt đang được báo động, đặc biệt là trong lĩnh vực âm nhạc.

Ngôn ngữ tiếng Việt vốn giàu và đẹp, được gìn giữ và phát huy trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, trường tồn qua mấy ngàn năm văn hiến, là phương tiện để "chuyên chở" những giá trị nghệ thuật trong những lĩnh vực văn học - nghệ thuật. Tuy nhiên hiện nay, vấn đề sử dụng tiếng Việt đang được báo động, đặc biệt là trong lĩnh vực âm nhạc.

Trong thời buổi xã hội hoá âm nhạc hiện nay, người người trở thành ca sỹ, người người trở thành nhạc sỹ một cách quá dễ dàng, ngôn từ nào cũng có thể trở thành ca từ dễ dãi của một nhạc phẩm. Hãy nghe ca khúc Da nâu của Nhật Đăng. Bài hát rất ngắn, quanh qua quẩn lại chỉ mấy từ Em sống trong khát khao, em sống trong ước ao, mang đến những ước ao, mang đến những ước ao làn da nâu… dường như chưa bằng lòng ở đó, tác giả làm tiếp phiên bản hai của Da nâu nhưng cũng là sự lặp lại dài hơi hơn của những từ trước đó. Da nâu em sống trong khát khao. Da nâu em sống trong ước ao… phải chăng qua bài hát, Nhật Đăng muốn đem đến cho người đọc thông điệp: Da nâu là một ao ước khát khao ?!

Cũng với những từ ngữ lòng vòng, rối rắm, tối nghĩa, tác giả Nguyễn Duy Bằng trong bài hát Ông xã em number one lại dùng những từ ngữ như đánh đố người nghe: Anh đi suốt đêm nay, bơi xuống ra tận đầm sâu. Anh câu cá ba sa, chơi vài con cá trê già. Anh mang về cho vợ anh chơi… Đây không chỉ là hành trình đi câu cá mà còn chơi cá của anh nữa! Từ chơi hiểu như thế nào đây? Anh chơi chưa đủ còn mang về cho vợ anh chơi nữa?! Thật không thể hiểu Nguyễn Duy Bằng muốn gửi gắm ý đồ nghệ thuật gì qua những từ ngữ ấy.

Có một số bài hát, tuy từ ngữ không đến mức khó hiểu, nhưng dường như tác giả không ý thức được đâu là ca từ nghệ thuật của một tác phẩm nghệ thuật với lời ăn tiếng nói thường ngày trong sinh hoạt đời thường. Hãy xem Hồ Duy Minh viết bài hát Chàng ngố không biết gì: Em hỏi anh có xe tay ga, ngố lắc đầu không. Em hỏi anh có căn hộ chung cư, ngố lắc đầu không. Thế anh có sổ tiết kiệm gửi ngân hàng, ngố ý à ồ không… Ở tác giả Trần Anh Khôi cũng tương tự như vậy trong một loạt bài hát Teen vọng cổ. Ví như: Đôi giày mà anh thường mang không biết nó tên gì. Ôi làn da của anh ta nói nó đen sì à (Vọng cổ Geisha). Thật đúng là: cứ dông dài lòng vòng là sao ta, làm sao, làm sao ấy (Teen vọng cổ 2). Xin mượn lời của Trần Anh Khôi trong bài hát Teen vọng cổ (nói chung là yêu đó, mà đó có phải là yêu không mà sao vắng anh thì buồn) để nói về vấn đề này: Nói chung là ca từ đó, mà đó có phải là ca từ không mà sao hát nghe kỳ kỳ ố ô ố ô.

Ngôn từ khi đi vào nhạc phẩm phải mang tính nghệ thuật. Không biết những ca từ của một số bài hát ăn xổi kể trên, khán thính giả tìm thấy được giá trị nghệ thuật gì mà tác giả muốn gửi gắm?! Thật đúng là tiếng Việt đang bị “bức tử” một cách đáng thương.

Đặng Quang Sơn

(GV THPT chuyên Lê Quý Đôn)