Số tổ chức hoạt động khoa học tăng lên, với sự tham gia của nhiều công chức, viên chức đăng ký thực hiện các đề tài, dự án, góp phần vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2010, có 321 người nghiên cứu khoa học, đến năm 2018 tăng lên 1.176 người. Tiềm lực khoa học của tỉnh nhờ đó được nâng cao, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
Lĩnh vực phát triển doanh nghiệp hoạt động KH&CN và thị trường KH&CN cũng được chú trọng. Từ việc đẩy mạnh việc thu hút nhân tài, đầu tư tương xứng cho các đề tài, dự án, đến nay Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố đã được chứng nhận doanh nghiệp KH&CN đầu tiên của tỉnh. Hiện tại, Sở KH&CN đang tập trung hỗ trợ, quyết tâm xây dựng 3 - 4 doanh nghiệp để sớm chuyển thành doanh nghiệp KH&CN, như: Chuyển giao ứng dụng kết quả đề tài nghiên cứu về măng tây xanh cho Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận; hỗ trợ Công ty TNHH Sản xuất tôm giống Tuấn Khanh đăng ký bảo hộ công nghệ sản xuất giống và ươm nuôi rươi biển làm thức ăn cho tôm bố, mẹ. Lĩnh vực phát triển thị trường KH&CN đã hỗ trợ 16 doanh nghiệp tham gia các hoạt động chợ công nghệ và thiết bị, kết nối “cung - cầu” tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Cần Thơ.
Vùng sản xuất táo ứng dụng công nghệ cao ở xã Phước Hậu (Ninh Phước).
Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN có tác dụng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, xác lập phát triển tài sản trí tuệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Thông qua việc thành lập Ban Phát triển các sản phẩm đặc thù tỉnh tại Quyết định số 1291/QĐ-UBND ngày 27-5-2016 của UBND tỉnh, công tác hỗ trợ doanh nghiệp được nâng lên tầm cao hơn, giúp các tổ chức, đơn vị đủ năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển sản phẩm chất lượng cao. Qua đó, các mặt hàng nho, táo, tỏi, dê, cừu, tôm giống, thổ cẩm Mỹ Nghiệp, gốm Bàu Trúc đã được tôn vinh là sản phẩm đặc thù. Không dừng lại đó, Sở KH&CN tiếp tục tham mưu, đề xuất UBND tỉnh bộ tiêu chí và xác minh danh mục 12 sản phẩm, nhóm sản phẩm đặc thù; hỗ trợ 3 doanh nghiệp đăng ký đánh giá Chứng nhận VietGAP cho cho các sản phẩm nho, măng tây xanh, nha đam sản xuất ở địa bàn huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm với tổng diện tích 570 ha. Theo báo cáo, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 71 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN với tổng kinh phí 923 triệu đồng, trên các lĩnh vực: Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, ứng dụng đổi mới công nghệ, đăng ký mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, tham gia hội chợ công nghệ thiết bị, kết nối cung cầu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất của các doanh nghiệp.
Có thể nói, từ việc chú trọng công tác phát triển tiềm lực KH&CN, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học, triển khai các mô hình sản xuất mới, đến nay trên địa bàn tỉnh bước đầu hình thành những vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Vùng sản xuất giống thủy sản, vùng nuôi tôm trên cát ở xã An Hải (Ninh Hải), Phước Dinh (Thuận Nam); vùng trồng nho an toàn ở xã Xuân Hải, Vĩnh Hải (Ninh Hải). Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Tiềm lực KH&CN tỉnh hiện nay đã được nâng lên so với trước đây, tuy nhiên vẫn còn ở mức độ trung bình. Để nâng cao tiềm lực KH&CN lên mức độ trung bình khá, giai đoạn từ nay đến hết năm 2020 tỉnh chỉ đạo làm tốt công tác hỗ trợ, tạo điều kiện cho 1-2 đơn vị chuyển đổi và được công nhận doanh nghiệp KH&CN. Tiếp tục triển khai dự án đầu tư nâng cấp các Trung tâm hoạt động KH&CN; phát hiện và đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ; có chính sách sử dụng cán bộ khoa học trình độ cao đã lớn tuổi tiếp tục công tác; thu hút các nhà khoa học, chuyên gia cao cấp trong và ngoài nước về tỉnh làm việc.
Anh Tùng