Lâu nay nông dân có thói quen chỉ đơn thuần canh tác những loại cây truyền thống, chưa quan tâm nhiều đến nhu cầu của người tiêu dùng, dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá”. Nghề trồng nho được tôn vinh thành niềm tự hào của nông dân trong tỉnh, bởi khó có nơi nào sánh kịp. Thế nhưng, tính “độc tôn” này đang có nguy cơ bị phá vỡ bởi nền nông nghiệp công nghệ cao phát triển thì không gian, phạm vi của cây nho sẽ vượt qua ranh giới địa lý của xứ sở nắng gió đặc trưng.
Nông dân xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) trồng giống nho mới NH01-152 mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh Văn Miên
Hiện nay, với kỹ thuật tiên tiến vượt bậc, không riêng gì ở tỉnh ta, mà những nơi khí hậu ẩm thấp cũng có thể trồng được nho bằng phương pháp thâm canh trong nhà lưới. Thực tế, nho Mỹ, nho Trung Quốc đã xâm nhập thị trường Việt Nam, sản phẩm nho Ninh Thuận không hề kém chất lượng nhưng bị nho ngoại lấn lướt là thiệt thòi lớn. Đã đến lúc nông dân và ngành Nông nghiệp phải thay đổi hình thức tổ chức sản xuất để hội nhập quốc tế.
Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp với rất nhiều nội dung như đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, đề cao vai trò của hợp tác xã trong liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn…, nhưng cái được đáng kể là công tác chuyển giao giống mới đã tạo sự khác biệt của mặt hàng nông sản, trong đó quả nho, táo, tỏi là một minh chứng. Từ nỗ lực của các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, sau nhiều năm tìm tòi, lai tạo, cho ra giống nho NH01-152 có ưu điểm vượt trội về chất lượng, năng suất cao, tạo sự khác biệt. Sau khi giống nho mới đưa vào sản xuất ở xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) đã thu hút nhiều du khách đến tham quan, thích thú ngắm nhìn những chùm nho có màu sắc thay đổi theo chu kỳ phát triển. Thương hiệu nho NH01-152 nhanh chóng lan truyền trên các phương tiện thông tin, được cộng đồng mạng thích thú đặt cho những cái tên mỹ miều như nho “ba màu”, nho “ngón tay”. Sự khác biệt giúp sản phẩm nho NH01-152 có chỗ đứng trên thị trường, mặt dù giá cao hơn nho thường gấp 3 lần nhưng vẫn được người tiêu dùng đón nhận.
Sản xuất táo theo quy trình VietGAP là một trong những hình thức
tạo ra sự khác biệt cho mặt hàng nông sản.
Bằng việc chú trọng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, đã tạo sự khác biệt cho các sản phẩm đặc thù, qua đó đạt được mục đích của cơ cấu lại ngành Nông nghiệp là nâng cao thu nhập cho nông dân. Nếu như trước đây, sản xuất 1 ha nho, mỗi năm hộ trồng thu lời khoảng 300 triệu đồng, thì hiện nay với việc sử dụng giống mới giá trị trên đơn vị diện tích được nâng lên, đạt trên dưới 1 tỷ đồng/ha/năm. Chương trình “mỗi xã một sản phẩm đặc thù” đang được ngành chức năng, các địa phương triển khai thực hiện, tạo đột phá thúc đẩy nông nghiệp phát triển lên tầm cao mới. Sau khi rà soát tình hình sản xuất ở các địa phương, ngành chức năng đã chọn 12 sản phẩm nông nghiệp đặc thù, tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách ưu tiên tập trung đầu tư phát triển. Cùng với cây nho, nghề trồng măng tây xanh, táo, tỏi, nha đam cũng có bước phát triển vượt bậc trong việc ứng dụng giống mới, áp dụng quy trình VietGAP tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận, khẳng định: Măng tây xanh sản xuất ở Ninh Thuận có chất lượng cao nhất cả nước. Yếu tố tạo nên sự khác biệt, đó là vì loại rau cao cấp này thích hợp với khí hậu khô ráo, đất pha cát tơi xốp ở các xã: Phước Hải, An Hải (Ninh Phước), phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm).
Tỉnh ta đang thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp, việc sản xuất được những sản phẩm khác biệt được xác định là mấu chốt dẫn đến thành công, và sự khác biệt đó bắt đầu từ vùng đất nắng gió.
Anh Tùng