Qua 10 năm triển khai thực hiện chương trình tài trợ của Vương quốc Bỉ, cho thấy chiến lược hợp tác theo lộ trình nhất định, tạo được niềm tin giữa các bên để tiến hành đầu tư những công trình dự án có kết quả. Khoảng thời gian từ 2007-2010 được cho là giai đoạn hợp tác định hướng, các lĩnh vực tập trung vào nước sạch, vệ sinh môi trường bao gồm cả quản lý chất thải; quản trị xây dựng năng lực và tăng cường pháp chế. Trong khuôn khổ tài trợ của chương trình xây dựng mạng lưới thủy lợi và hồ chứa tăng sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Ninh Thuận, Chính phủ Bỉ đã tài trợ 2,6 triệu UERO để xây dựng hồ chứa nước Lanh Ra, xã Phước Vinh (Ninh Phước) được coi là dự án trọng điểm, có ý nghĩa nhất ở giai đoạn này. Công trình khởi công vào tháng 11-2008, đến tháng 10-2012 hoàn thành. Bên cạnh ý nghĩa cung cấp nước tưới cho hơn 1.000 ha đất sản xuất nông nghiệp 3 vụ/năm, hồ Lanh Ra còn phục vụ nước cho phát triển chăn nuôi và sinh hoạt của người dân quanh vùng.
Hồ Lanh Ra được xây dựng từ sự hỗ trợ của Chính phủ Bỉ đưa vào sử dụng có hiệu quả.
Thành quả to lớn trên đã tạo cơ sở để Chính phủ Bỉ tiếp tục tài trợ dự án BĐKH và tăng trưởng xanh bắt đầu triển khai từ tháng 6-2016, với mục tiêu góp phần vào sự phát triển bền vững. Từ hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế, trong nước, dự án đã hoàn thành 13 nghiên cứu mang tính chiến lược cho tỉnh. Kết quả gói BĐKH, Thủy lực thủy văn và Tưới tiết kiệm đã góp phần vào xây dựng bộ dữ liệu cho tỉnh, làm đầu vào cho các dự án khác trên địa bàn các huyện. Qua thực hiện dự án, đã nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ về quản lý nguồn nước và phát triển đô thị trong bối cảnh BĐKH; nâng cao nhận thức cho cộng đồng thông qua thay đổi hành vi tích cực nhằm thích ứng, giảm thiểu tác động của BĐKH. Dự án cũng đã hỗ trợ xây dựng thí điểm 1 công trình được áp dụng công nghệ xanh nhằm cải thiện tình hình ngập úng, vệ sinh môi trường, giao thông cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa lũ. Đối với dự án Tăng trưởng xanh với 2 mô hình thí điểm đã nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân trong việc sử dụng công nghệ tiết kiệm nước để sản xuất tưới tiêu và quản lý cây xanh đô thị.
Có thể nói, thành công của các dự án tài trợ sau 10 năm đã có tác động về kinh tế - xã hội và cải thiện điều kiện sống cho người nghèo, nâng cao dân trí, thu hút đông đảo người dân tham gia vào các hoạt động can thiệp của các dự án. Cán bộ nòng cốt có đầy đủ kiến thức kỹ năng và tư duy kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp để đào tạo hướng dẫn lại cho nhân viên ở các cơ quan, ban, ngành thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh giao; hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở từ cấp huyện trở xuống thực hiện tốt các khâu lập kế hoạch, thực hiện các chính sách của tỉnh chỉ đạo với việc cung cấp dịch vụ công có chất lượng dựa theo các tiêu chí của dự án và lồng ghép vào tiêu chí xây dựng mô hình nông thôn mới. Các bằng chứng về sự thay đổi tại cộng đồng, tác động tích cực tới đời sống của nhân dân như thay đổi tư duy trong sinh hoạt đời thường và ý thức cống hiến cho cộng đồng về vệ sinh môi trường, sản xuất nông nghiệp và tạo việc làm thu nhập cho người dân. Tại Hội thảo Nghiên cứu đánh giá tính tổn thương trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu cho lưu vực sông Cái và khu vực phụ cận nằm trong khuôn khổ Dự án “Quản lý nguồn nước tổng hợp và Phát triển đô thị trong mối liên hệ với BĐKH tỉnh Ninh Thuận" do Chính phủ Bỉ tài trợ tổ chức vào trung tuần tháng 9 vừa qua, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao về hợp tác hỗ trợ trong thời gian qua đã góp phần to lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Vương quốc Bỉ vào thời gian tới.
Anh Tùng