Đến xã Phước Vinh, chúng tôi gặp nông dân địa phương tập trung ra đồng khẩn trương thu hoạch vụ hè - thu 2018. Cây lúa xã Phước Vinh có 100 ha đạt năng suất bình quân trên 70 tạ/ha, thương lái thu mua lúa khô tại sân phơi với giá 6.000 đồng/kg, người trồng lúa có lãi ròng 20 triệu đồng/ha. Cây bắp lai xuống giống vụ hè - thu được 350 ha, chiếm 42% diện tích bắp lai của huyện Ninh Phước. Ngoài ra, nông dân địa phương còn canh tác 277 ha cây rau đậu các loại; 50 ha táo và 2,6 ha nho; 67 ha cỏ cung cấp thức ăn cho đàn gia súc. Chị Mang Thị Vân ở thôn Liên Sơn 2, chia sẻ: Vụ hè - thu 2018, tôi trồng 1,2 ha bắp lai chủ động tưới từ hệ thống thủy lợi Lanh Ra. Cây bắp thu hoạch năng suất ước đạt trên 7 tấn/ha, thương lái mua 5.500 đồng/kg. Nhờ nguồn thu nhập từ cây bắp lai giúp gia đình có điều kiện chăm lo cho các cháu vào năm học mới 2018-2019. Do thời tiết khô hạn kéo dài nên hồ Lanh Ra đã cạn nước nên chính quyền địa phương thông báo gia đình tôi cày ải đất đợi khi có mưa đủ nước sẽ xuống giống vụ mùa 2018.
Nông dân xã Phước Vinh chăm sóc cây nho chủ động tưới từ công trình thủy lợi Lanh Ra.
Toàn xã Phước Vinh hiện có 2.565 hộ, với trên 12.200 nhân khẩu sinh sống tập trung tại 5 khu dân cư. Đời sống của nông dân dựa vào nguồn thu nhập từ 100 ha ruộng và 762 ha đất trồng hoa màu kết hợp chăn nuôi gia súc có sừng. Đất canh tác chủ động tưới từ hệ thống thủy lợi kênh Nam, hồ Lanh Ra và trạm bơm 33 với hệ thống kênh mương được xây dựng kiên cố với tổng chiều dài 81 km. Đặc biệt công trình thủy lợi hồ Lanh Ra đưa vào sử dụng từ giữa năm 2012 đến nay đã tạo động lực phát triển sản xuất nông nghiệp, giúp địa phương đạt chuẩn xã nông thôn mới. Đất canh tác chủ động tưới giúp nông dân liên kết với các doanh nghiệp sản xuất 300 ha bắp nhân giống/năm, thu nhập bình quân 70 triệu đồng/ha, nông dân có lãi ròng trên 35 triệu đồng/ha. Hoặc như mô hình trồng táo với diện tích 50 ha kết hợp chăn nuôi dê, cừu đã cho thu nhập trung bình 500-600 triệu đồng/ha. Tính đến cuối năm 2017, thu nhập bình quân đạt 32 triệu đồng/người; xã Phước Vinh giữ vững các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới.
Hiện nay, do thời tiết khô hạn kéo dài nên mực nước chứa của hồ Lanh Ra hiện còn 1,28 triệu/13,8 triệu m3. Hồ Lanh Ra xả nước mỗi tuần 2 ngày với lưu lượng 1m3/giây để cung cấp nước uống cho đàn gia súc và tưới cho cây nho, cây táo của nông dân địa phương. Chiều ngày 11-9, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh có mưa lớn kéo dài, khu vực hồ Lanh Ra lượng mưa đo được 15 mm làm dịu thời tiết nắng nóng, giảm lượng nước bốc hơi. Đồng chí Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Phước Vinh cho biết, cấp ủy và chính quyền địa phương huy động cả hệ thống chính trị chủ động ứng phó với thời tiết khô hạn nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nông dân; không để gia súc chết và phát sinh dịch bệnh. UBND xã hướng dẫn nông dân ngừng xuống giống cây trồng ngắn ngày trong vụ mùa 2018. Tập trung khai thác nguồn nước ngầm từ 30 giếng đào, giếng khoan hiện có, kết hợp sử dụng trạm bơm trực tiếp từ sông Cái và nguồn nước điều tiết của hồ Lanh Ra tưới cho trên 210 ha cây trồng vụ mùa. Trong đó có 100 ha cây rau màu, 67 ha cỏ và 52,6 ha cây táo, cây nho. Khi có mưa, hồ Lanh Ra và hệ thống kênh Nam điều tiết đủ nước sản xuất sẽ thông báo lịch thời vụ cho nông dân. Toàn xã hiện có trên 14.000 gia súc có sừng, bao gồm 9.200 dê, cừu và 4.850 con bò được nuôi dưỡng theo mô hình bán thâm canh. Chính quyền địa phương vận động các nông hộ tích trữ nguồn rơm rạ, cây bắp kết hợp trồng cỏ bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng tránh dịch bệnh cho đàn gia súc trong điều hiện thời tiết khô hạn kéo dài. Đồng thời huy động các nguồn lực hỗ trợ lương thực hộ nghèo có đất canh tác ngừng sản xuất vụ mùa 2018, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn xã.
Sơn Ngọc