Đồng chí Đặng Văn Bình, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Ninh Phước có hơn 35.000 hộ dân; trong đó khoảng 70% hộ sống dựa vào nông nghiệp với tổng số là 12.139 hội viên Hội Nông dân. Xác định vai trò, trách nhiệm chăm lo đời sống cho HVND, Ban chấp hành Hội các cấp luôn sâu sát tình hình đời sống, sản xuất, kinh doanh, tâm tư, nguyện vọng của bà con, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để từ đó có sự định hướng, hỗ trợ kịp thời. Đây cũng là một trong những việc làm quan trọng, là cơ sở để tổ chức Hội thực hiện tốt Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, các cấp hội tích cực tuyên truyền, vận động HVND hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Trong 5 năm qua, có 25.756 lượt hộ đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp.
Bà con nông dân xã Phước Vinh áp dụng mô hình trồng táo theo tiêu chuẩn
VietGap gắn với chăn nuôi cho thu nhập cao, cải thiện đời sống.
Các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế cũng được các cấp hội đẩy mạnh; trong đó trọng tâm là việc tổ chức dạy nghề; vận động, khuyến khích, hướng dẫn HVND tham gia các hình thức kinh tế tập thể; phối hợp đưa ứng dụng khoa học - kỹ thuật, mô hình sản xuất mới. Hội đã phối hợp tổ chức 81 lớp đào tạo nghề lao động nông thôn cho 2.695 lượt con em cán bộ, HVND; 94 buổi tư vấn và 6 lớp tập huấn kiến thức về kinh tế tập thể với hơn 4.500 lượt hội viên tham gia. Phối hợp thực hiện mô hình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” tại các xã: Phước Hậu, Phước Hữu, Phước Thái; tập huấn tuyên truyền, phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng cho 1.020 lượt HVND; tổ chức 114 hội thảo về phòng trừ, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cân đối an toàn, hiệu quả với 4.667 lượt người tham dự... Với những việc làm thiết thực, kết quả, đã có trên 52% học viên sau khi học nghề có việc làm. Nhiều nông dân phát huy hiệu quả các nghề truyền thống; mạnh dạn đầu tư vốn, mở rộng các ngành nghề mới, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh. Các HVND đã xây dựng 4 mô hình mới về kinh tế tập thể: Mô hình tổ hợp tác (THT) sản xuất lúa giống ở thị trấn Phước Dân; THT sản xuất, chăn nuôi ở xã Phước Hải; THT sản xuất táo gắn với nuôi dê dưới tán cây táo ở xã Phước Vinh và THT măng tây xanh xã An Hải. Hoạt động của các THT bước đầu đem lại kết quả thiết thực không chỉ hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng lớn; tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân mà còn sử dụng khai thác hiệu quả đất đai, góp phần cải thiện môi trường sinh thái.
Ngoài ra, Hội còn hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi, giúp HVND tiếp cận tốt các nguồn vốn vay để mở rộng sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập. Trong 5 năm qua, Hội phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện giải ngân cho 16.295 lượt hộ vay, với tổng dư nợ 146 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thành lập 73 tổ tiết kiệm và vay vốn, giải ngân cho 3.645 lượt hộ vay, với tổng dư nợ trên 75 tỷ đồng. Hội còn nhận uỷ thác từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm thực hiện 164 dự án/213 lượt hộ vay, đã giải quyết việc làm cho 246 lao động. Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, Hội đã xây dựng và triển khai thực hiện 19 dự án, với tổng số tiền trên 4,3 tỷ đồng cho 167 hộ vay, tạo điều kiện cho HVND có vốn sản xuất. Điều đáng ghi nhận là trước và trong khi thực hiện dự án sản xuất, các cấp hội tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ năng lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo các cấp hội tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý nguồn vốn ủy thác ở cơ sở để chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót, tồn tại trong việc quản lý hoạt động nhận ủy thác tại địa bàn. Chính vì vậy, nguồn vốn vay luôn được bảo đảm sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.
Với những việc làm thiết thực của các cấp hội góp phần giúp HVND cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống; diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới. Hiện có 85% người dân nông thôn có nhà kiên cố; tỷ lệ hộ nghèo còn 6,47% (theo tiêu chí mới), giảm 3,97%; thu nhập bình quân đầu người 32,1 triệu đồng/năm, tăng 14,4 triệu đồng so với năm 2012.
Đồng chí Đặng Văn Bình cho biết thêm: Nhằm thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm lo đời sống cho HVND, trong thời gian đến, ngoài việc đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, Hội Nông dân huyện tăng cường các hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất. Trong đó, Hội chú trọng tăng cường hợp tác, liên kết với các ngành, các doanh nghiệp… giúp HVND nâng cao quy mô sản xuất và xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác; liên kết sản xuất, kinh doanh, nhất là phát triển mô hình cánh đồng lớn; liên kết, hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; tham gia thực hiện các chương trình, dự án sản xuất ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường nông thôn, nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tăng nhanh thu nhập, cũng là giúp Hội phát huy tốt vai trò nòng cốt tập hợp, vận động HVND, góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Uyên Thu