Đồng chí Khưu Lê Khắc Trí, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Chăn nuôi gia súc được xem là thế mạnh của huyện với tổng đàn hiện có trên 117.600 con; trong đó, đàn trâu, bò chiếm hơn 19.200 con; dê, cừu 96.330 con. Qua kết quả rà soát ở các xã, tính đến nay trên địa bàn huyện chưa xảy ra tình trạng gia súc chết, tuy nhiên thể trạng đã có dấu hiệu suy dinh dưỡng, nếu như tình hình nắng hạn còn kéo dài, nguy cơ thiệt hại đối với các hộ chăn nuôi là khó tránh khỏi. Nhằm duy trì và phát triển đàn gia súc trong điều kiện nắng hạn, địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân đào ao dự trữ nước; tận dụng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện cho những hộ chăn nuôi mở rộng và phát triển diện tích trồng cỏ, giảm quy mô đàn; thực hiện việc di chuyển đàn gia súc xuống vùng đồng bằng, nhất là vùng trũng thấp, vùng gần sông, suối. Đồng thời, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn hộ chăn nuôi cách chăm sóc, tiêm phòng gia súc, hạn chế thấp nhất thiệt hại trong mùa hạn.
Người dân xã Phước Nam di chuyển đàn gia súc kiếm nguồn thức ăn.
Từ việc triển khai đồng bộ các giải pháp, ý thức chủ động ứng phó với hạn hán của các hộ chăn nuôi được nâng lên rõ rệt. Đơn cử như hộ Thạch Thị Chiêm, ở thôn Văn Lâm 1, xã Phước Nam là nông dân tiêu biểu trong việc chủ động khắc phục khó khăn vượt qua hạn hán, đảm bảo cho đàn gia súc có thức ăn và nước uống đầy đủ. Chị Chiêm chia sẻ: Để duy trì đàn dê hơn 60 con, gia đình đã bán bớt 6 con để lấy tiền đào ao, khoan 2 giếng trữ nước; trồng thêm 3 sào cỏ, đậu xanh, chủ yếu lấy thân và lá làm thức ăn cho đàn vật nuôi… Bên cạnh đó, người chăn nuôi ở địa phương còn có cách làm hay khác như trồng bắp xoay vòng tạo thức ăn xanh cho gia súc nhanh hơn trồng cỏ. Cách làm hiệu quả này đang ngày càng được nhiều hộ áp dụng. Tính đến thời điểm hiện nay, ngoài 80 ha cỏ được nông dân chủ động chuyển đổi ở những vùng không chủ động nguồn nước thì mô hình trồng bắp làm thức ăn cho gia súc được phát triển với diện tích khoảng 13 ha, tập trung chủ yếu ở các địa phương có tổng đàn gia súc lớn như Phước Nam, Phước Ninh. Nhờ đó, cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu thức ăn cho đàn gia súc trong mùa nắng hạn.
Bên cạnh sự chủ động của người dân, để giúp hộ chăn nuôi vượt qua khó khăn, huyện chỉ đạo các phòng chức năng tổ chức nhiều đợt kiểm tra, khảo sát thực tế khu vực có nguồn nước, trên cơ sở đó, lập kế hoạch dự trù kinh phí, đề xuất với UBND tỉnh có kế hoạch đào ao, khoan giếng, xây hồ trữ nước, phục vụ nước uống cho đàn gia súc tại các nơi khô hạn trọng điểm như thôn Vụ Bổn, xã Phước Ninh; Văn Lâm 3, xã Phước Nam và một số khu vực thuộc xã Nhị Hà.
Bằng sự nỗ lực vượt khó, với nhiều cách làm hiệu quả, nên đàn gia súc của địa phương tiếp tục duy trì ổn định. Tuy nhiên, hộ chăn nuôi ở Thuận Nam vẫn không khỏi lo lắng trước tình hình nắng hạn theo dự báo sẽ còn kéo dài. Vì vậy, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành hỗ trợ nông dân triển khai các mô hình chăn nuôi ứng phó với hạn hán.
Hồng Lâm