Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Ngày 7/9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa 10 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm (2008-2017) đạt 261,2 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm, riêng năm 2017 đạt 36,6 tỷ USD, tăng 20,05 tỷ USD so với năm 2008. Dự kiến năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40 tỷ USD.
Hiện đã có 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD/năm trở lên, 5 mặt hàng: Tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ đạt kim ngạch 3 tỷ USD/năm (năm 2008 chỉ 2 mặt hàng đạt kim ngạch 3 tỷ USD). Nông sản Việt hiên đứng thứ 2 ở Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới, xuất khẩu tới 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn từ 75,8 triệu đồng năm 2012 lên 130 triệu đồng năm 2017, góp phần quan trọng vào xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sông của người dân vùng nông thôn. Hiện cả nước đã có 3.478 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 14,26 tiêu/ xã; 53 đơn vị cấp huyện, thị xã đạt chuẩn NTM.
Sức lan tỏa từ phong trào Nông thôn mới
Sau hơn 8 năm (2010-2018), phong trào xây dựng nông thôn mới có sức lan tỏa cao, trở thành phong trào sâu rộng với sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, văn minh, hiện đại hơn. Đến hết năm 2017 có 11.668 HTX nông nghiệp (gấp gần 2 lần năm 2008).
Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp tăng từ 2.397 năm 2007 (chiếm 1,61% doanh nghiệp cả nước) lên 7.033 doanh nghiệp năm 2017 (tăng 2,93 lần) với số vốn 213.394,9 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp đã trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị nông sản và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường.
Tính đến nay, cả nước đã có 3.478 xã (38,98%) đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 14,26 tiêu chí/xã; có 53 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (so với năm 2010 chưa có xã đạt chuẩn; đến hết năm 2013 có 75 xã được công nhận đạt chuẩn, bình quân đạt 7,87 tiêu chí/xã, chưa có huyện đạt chuẩn nông thôn mới).
Về việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, Bộ NN&PTNT nhận định, đến năm 2020 các chỉ tiêu đạt và có khả năng đạt là: Nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gấp trên 2,5 lần so với hiện nay (năm 2017 đạt khoảng 32 triệu đồng/người, tăng 3,49 lần so với năm 2008); lao động nông nghiệp còn khoảng 30% lao động xã hội (năm 2017 đã giảm còn 40,1% và đến tháng 6/2018 còn 38,6%); số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50% (dự kiến sẽ đạt trên 50%); nâng hiệu suất sử dụng các công trình thuỷ lợi lên trên 80%.
Tuy nhiên, có một số chỉ tiêu khó đạt như: Tốc độ tăng trưởng đạt 3,5-4%/năm (giai đoạn 2008-2017 mới đạt 2,66%/năm); tỉ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50% (đến hết năm 2016 mới đạt 34,14% và trung bình chỉ tăng 3,11%/năm).
Tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách đủ mạnh để thu hút thêm doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp và hỗ trợ nông dân. Như vậy mới có cơ hội tăng thu nhập cho người dân và thay đổi bộ mặt nông thôn.
Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội kiến nghị, vấn đề tích tụ ruộng đất cần tiếp tục được nghiên cứu, sửa luật đất đai, vì khung giá đất cao khó thu hút nhà đầu tư. Thứ hai là đầu tư các trung tâm chế biến, đặc biệt là trung tâm chiếu xạ để hàng nông nghiệp vượt qua các hàng rào kỹ thuật của các nước, tăng cường xuất khẩu.
Hoàn thiện thể chế, phát triển “tam nông”
Trong 10 năm vừa qua, sản xuất nông nghiệp đã chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được quan tâm phát triển, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ NN& PTNT kiến nghị Bộ Chính trị có Nghị quyết hoặc Kết luận và thông báo chỉ đạo về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X. Nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp quan điểm phát triển “nông nghiệp toàn diện” và “bảo đảm an ninh lương thực quốc gia” trong bối cảnh nước ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới; Bộ Chính trị giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ xây dựng đề án tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2030.
Đồng thời, Bộ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế chính sách, nhất là chính sách về Đất đai (đề xuất sửa Luật Đất đai) để tạo động lực mới cho tăng trưởng nông nghiệp và phát triển nông dân, nông thôn; ưu tiên nguồn lực tương xứng với mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương 7 khóa X đã đề ra (5 năm sau tăng gấp 2 lần 5 năm trước).
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, những kết quả nền tảng trong quá trình thực hiện Nghị quyết giai đoạn qua như sự hội nhập toàn cầu tốt, những tiến bộ khoa học kỹ thuật cách mạng công nghiệp 4.0… là những tiền đề, cơ hội tốt để nông nghiệp, nông thôn, nông dân tiếp tục phát triển trong quá trình công nghiệp hóa.
Bộ trưởng cũng chỉ ra thách thức lớn nhất là phải tổ chức nhanh, hiệu quả nền sản xuất nhỏ quy mô hộ thành liên kết sản xuất lớn vì, nếu không có yếu tố này sẽ không thể thành công. Biến đổi khí hậu cực đoan cùng với sự hội nhập kinh tế sâu rộng đang đặt ra những thách thức, nếu không cố gắng, quyết tâm thì sẽ thua ngay trên sân nhà.
“Cần xác định vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa đất nước.Từ đó thống nhất nhận thức toàn xã hội, các thành phần kinh tế, vai trò người dân được tôn vinh và tự tin khi phát triển kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Cùng với đó là sự ưu tiên nguồn lực bởi đây là khu vực yếu thế, dễ tổn thương và nhiều rủi ro. Nguồn lực không chỉ về kinh tế mà bằng sự chỉ đạo, cơ chế, chính sách để khuyến khích nhiều thành phần kinh tế như hợp tác xã, doanh nghiệp… được ra đời để liên kết chặt chẽ với người dân.
Nguồn: chinhphu.vn