Thuận Nam có 3 xã vùng biển: Cà Ná, Phước Diêm và Phước Dinh, người dân sống chủ yếu dựa vào nghề khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản. Tính đến cuối tháng 8, toàn huyện có 950 tàu cá, với tổng công suất gần 140.000 CV, chủ yếu làm nghề vây rút chì, vây rút mùng, pha xúc. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II, nhiệm kỳ 2015-2020 về khai thác tiềm năng lợi thế biển để phát triển, thời gian qua, ngành chức năng, chính quyền các xã tích cực giúp ngư dân ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật cải tiến nghề truyền thống vươn khơi xa đánh bắt hải sản; thử nghiệm thành công nhiều mô hình ứng dụng các thiết bị hàng hải hiện đại như máy thu lưới trên tàu vây rút chì, máy dò cá. Các mô hình đánh bắt hiệu quả ngày càng được nhân rộng, góp phần vào nâng cao hiệu quả khai thác, thu nhập cho ngư dân.
Ngư dân Thuận Nam đầu tư đóng tàu công suất lớn khai thác vùng biển xa có hiệu quả. Ảnh: Văn Nỷ
Hướng tới phát triển nghề khai thác hải sản bền vững, huyện khuyến khích ngư dân tổ chức sản xuất theo mô hình tổ, đội đoàn kết. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã thành lập 106 Tổ đoàn kết khai thác trên biển, hoạt động theo phương châm 3 cùng: “cùng nghề, cùng ngư trường và cùng địa bàn cư trú”. Từ việc làm thiết thực, tuân thủ nguyên tắc tự nguyện, hợp tác sản xuất cùng có lợi, đã góp phần nâng cao giá trị sản lượng và giá trị mặt hàng hải sản. Nếu như trước đây, ngư dân chủ yếu hành nghề đánh bắt cá nổi, thì hiện nay huyện đã thành lập được đội tàu công suất lớn vươn ra vùng biển Trường Sa, DK1, Phú Quốc… khai thác cá tầng đáy có giá trị kinh tế cao. Đạt được kết quả trên, theo đồng chí Diệp Minh Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện, đó là nhờ huyện chỉ đạo thực hiện có kết quả các chính sách phát triển thủy sản. Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách thủy sản từ đầu năm 2018 đến nay, địa phương tổ chức hạ thủy 2 chiếc tàu được đầu tư bằng nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, nâng tổng số “tàu 67” lên 10 chiếc. Các tàu cá công suất lớn đã ra khơi đánh bắt, góp phần vào đạt sản lượng khai thác hải sản từ đầu năm đến nay khoảng 42.000 tấn, tăng 10,8% so với cùng kỳ.
Ngư dân Thuận Nam phấn khởi khai thác cá cơm đạt sản lượng cao.Ảnh: Văn Miên
Khai thác tối đa lợi thế so sánh khu vực biển, Thuận Nam đang từng bước khôi phục nhiều ngành nghề sau một thời gian hoạt động cầm chừng. Nghề chế biến hải sản khởi sắc trở lại, khẳng định vị thế thương hiệu, tạo thêm chuỗi giá trị mới, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động biển. Nếu như UBND xã Phước Diêm chú trọng lãnh đạo ngư dân khai thác hải sản có hiệu quả, thì xã Cà Ná kết hợp khai thác và mở rộng các cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá, coi đó là lợi thế phát triển. Hướng tới phát triển nghề cá theo chuỗi giá trị, huyện quy hoạch khu sản xuất cá hấp, giữ vững thương hiệu nước mắm Cà Ná, nâng cấp các cơ sở đóng tàu đảm bảo đủ năng lực đóng tàu công suất lớn phục vụ khai thác xa bờ và làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hiện nay, 2 cơ sở đóng tàu trên địa bàn đã đảm nhiệm thiết kế, thi công những con tàu công suất 800 CV trở lên, đáp ứng nhu cầu nâng cấp, cải hoán, đóng tàu đánh bắt khơi xa của ngư dân trong điều kiện nguồn lợi hải sản của ngư trường gần bờ ngày càng cạn kiệt như hiện nay.
Nghề khai thác hải sản ở huyện Thuận Nam đang ngày càng phát triển lên tầm cao mới, khi hiện nay địa phương đang đẩy mạnh chương trình phát triển khai thác xa bờ; chú trọng hỗ trợ ngư dân đổi mới công nghệ kết hợp đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực sản xuất trên biển có chất lượng; chú trọng cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng nghề cá. Việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh công năng, quy mô, quy hoạch Khu bến cảng Cà Ná là cảng tổng hợp địa phương loại II sẽ tạo ra sức bật không những cho nghề khai thác hải sản mà còn kéo theo ngành công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn phát triển.
Anh Tùng