Đến với cánh đồng thôn Tà Dương, gặp bà con nông dân đang tập trung thu hoạch lúa vụ hè-thu. Lúa thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp nhộn nhịp chở về sân phơi. Xe máy cày kéo rơ móc vận chuyển lúa trên đường giao thông nội đồng được bê tông xi măng khang trang. Tiếng nói cười của nông dân phấn khởi trong niềm vui được mùa hòa cùng tiếng máy tạo nên âm thanh rộn ràng ở làng quê. Ngừng tay cắt lúa, anh Katơ Thành, chia sẻ: Nông dân xã Phước Thái đang tập trung vào thu hoạch vụ lúa hè-thu nên máy gặt đập không đáp ứng được nhu cầu. Tôi đợi 3 ngày nhưng chủ máy chưa xếp được lịch nên phải huy động gia đình ra đồng cắt lúa bằng liềm, để lâu sợ trời mưa giảm năng suất. Nhờ Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình hỗ trợ giống mới TBR36 định mức 20 kg/sào và cử cán bộ kỹ thuật về thôn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Gieo trồng lúa giống mới áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm” kết hợp thời tiết thuận lợi nên gia đình tôi thu hoạch ước đạt 7,2 tạ/sào, tăng trên 1 tạ so với vụ trước. Giá bán lúa khô tại sân phơi hiện nay là 5.700 đồng/kg, trừ hết chi phí đầu tư, tôi còn lời khoảng 3 triệu đồng/sào. Đây là vụ lúa đầu tiên tôi làm ruộng đạt năng suất và lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay.
Nông dân thôn Tà Dương phấn khởi thu hoạch lúa TBR36 gieo trồng vụ hè thu 2018.
Nói về chất lượng hạt gạo của giống lúa mới gieo trồng trên cánh đồng Tà Dương, chị Ja Đá Thị Tỏ, chia sẻ: Trước khi ra đồng thu hoạch lúa, tôi cắt hai bó lúa gùi về nhà giã lấy gạo cúng ông bà mừng mùa lúa mới theo tập quán truyền thống của đồng bào Raglai. Tôi nhận thấy giống TBR36 nấu cơm hạt ít dẻo nhưng có hương thơm như lúa rẫy của ông bà xưa. Tôi rất mừng vì đây là lần đầu tiên trồng giống lúa vừa đạt năng suất cao vừa cho ra hạt gạo thơm ngon, bán được giá như các giống lúa khác đang gieo trồng ở địa phương. Nhờ thu hoạch lúa vụ hè-thu 2018 được mùa giúp gia đình tôi có điều kiện đầu tư tiếp tục sản xuất vụ mùa và chăm lo cho con cái đến trường.
Trao đổi với Ông Jaghe Hoàng Thọ, Trưởng Ban Quản lý thôn Tà Dương, chúng tôi được biết toàn thôn hiện có 145 hộ, với 622 nhân khẩu đồng bào Raglai. Đời sống của người dân dựa vào nguồn thu nhập của 39 ha ruộng lúa chủ động tưới từ hệ thống kênh Nam kết hợp canh tác 100 ha đất nương rẫy ăn nước trời và nuôi khoảng 500 con bò chăn thả trên đồng cỏ tự nhiên. Vụ hè-thu năm nay được Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình hỗ trợ 5 tấn lúa giống TBR36 cấp xác nhận đạt chuẩn quốc gia giúp bà con nông dân thay thế dần giống lúa cũ qua nhiều năm canh tác ít nhiều đã thoái hóa. Ban Quản lý thôn họp dân bàn bạc thống nhất đăng ký trồng giống lúa mới TBR36 vụ hè-thu 2018. Toàn thôn có 98 hộ đăng ký nhận giống gieo trồng trên diện tích 25 ha, định mức 20 kg/sào. Cấp trên cử cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn nông dân biện pháp canh tác giống lúa mới và áp dụng triệt để quy trình “1 phải, 5 giảm” vào khâu chăm sóc nhằm giảm chi phí đầu tư và tăng năng suất, chất lượng hạt lúa. Giống lúa TBR36 thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng thôn Tà Dương, sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh hại, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nông dân tập trung vào mùa thu hoạch năng suất ước đạt 70- 75 tạ/ha, tăng gần 1 tạ so với ruộng canh tác các giống lúa khác ở địa phương. Các doanh nghiệp trên địa bàn huyện hợp đồng nhận thu mua hết lúa thương phẩm TBR36 cho nông dân. Nguồn thu nhập tăng thêm khoảng 10 triệu đồng/ha từ việc đưa giống lúa mới vào sản xuất, giúp địa phương phấn đấu giảm số hộ nghèo; đồng thời bảo đảm cuộc sống nông dân ngày càng no ấm, góp phần nâng cao các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đồng chí Lưu Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Phước Thái cho rằng: Xã Phước Thái là vùng trọng điểm lúa của huyện Ninh Phước với diện tích gieo trồng hằng năm trên 2.500 ha. Việc Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình hỗ trợ 5 tấn giống lúa mới TBR36 cho đồng bào Raglai vào sản xuất trên cánh đồng thôn Tà Dương cho thu hoạch đạt năng suất cao, giá bán lúa thương phẩm ổn định, tạo tâm lý phấn khởi trong nông dân. Chúng tôi mong muốn Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình tiếp tục đưa giống lúa TBR36 vào gieo trồng trên địa bàn xã Phước Thái trong những vụ tới để đánh giá hiệu quả của giống lúa mới thay thế dần các giống lúa cũ đã thoái hóa, nhằm tăng thu nhập cho nông dân địa phương.
Sơn Ngọc