Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ hè - thu 2018, toàn tỉnh gieo trồng 21.213 ha cây trồng các loại; trong đó, lúa 12.593 ha, số diện tích còn lại là đậu, bắp và rau màu các loại. Tính đến cuối tháng 8, nông dân đã thu hoạch được 1/3 diện tích lúa, năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha. Niềm vui của nông dân được nhân đôi khi vừa được mùa, vừa được giá. Chị Nguyễn Thị Thêm, ở thôn Thủy Lợi, xã Tân Hải (Ninh Hải), cho biết: Các chủ đại lý lúa gạo trên địa bàn thu mua lúa tươi tại ruộng giá 5.000 đồng/kg, lúa phơi 1 nắng 5.700 đồng/kg, cao hơn 500 đồng so với vụ cùng kỳ năm ngoái, hộ sản xuất thu lãi từ 25 - 30 triệu đồng/ha. Theo những người làm chuyên môn, giá lúa vụ này nhích lên đó là do nông dân thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng không mở rộng diệc tích trồng lúa để tiết kiệm nước, tâm lý chung của thương lái lo vụ mùa sắp tới sản xuất gặp khó khăn nên đầu tư vốn mua lúa dự trữ.
Nông dân Ninh Phước thu hoạch lúa vụ hè – thu.
Điều đáng nói ở vụ hè – thu, ngay từ đầu vụ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý, chỉ đạo đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương tăng cường công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật, cử cán bộ về cơ sở vận động nông dân áp dụng các mô hình có hiệu quả. Qua đó, ý thức của bà con chuyển biến tích cực theo hướng chú trọng sử dụng giống xác nhận, thực hiện mô hình tưới tiết kiệm nước đảm bảo cho cây trồng phát triển tốt. Thắng lợi nối tiếp thắng lợi, công tác nhân rộng cánh đồng lớn được triển khai sâu rộng ở tất cả các huyện, thành phố đạt được kết quả to lớn, tạo đột phá mới. Năng suất cây trồng ở 14 cánh đồng lớn, với tổng diện tích 1.424 ha đạt cao; trong đó, lúa bình quân đạt 8 tấn/ha. Nhờ thực hiện liên kết trong sản xuất, sản phẩm được doanh nghiệp mua với giá cao hơn ngoài thị trường, nên các hộ tham gia chương trình thu lãi 35 triệu đồng/ha. Anh Đàng Ngọc Cảnh, ở thôn Phú Nhuận, xã Phước Thuận (Ninh Phước), thổ lộ: Hiệu quả từ thực hiện cánh đồng lớn tạo niềm tin phấn khởi cho tôi tiếp tục duy trì, mở rộng mô hình trong vụ tới.
Sản xuất ở các vùng chuyển đổi cây trồng cạn cũng đạt được kết quả nhất định. Vụ này, toàn tỉnh chuyển đổi 762,3 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp, đậu xanh, táo, nho, măng tây xanh. Trong đó, huyện Thuận Nam 104 ha, Ninh Phước 73,7 ha, Ninh Hải 33,5 ha, Thuận Bắc 284 ha, Ninh Sơn 107,1 ha, Bác Ái 160 ha. Đến nay, một số loại cây trồng đã cho thu hoạch, năng suất đậu xanh bình quân đạt 1,2 tấn/ha, bắp bình quân đạt 5 tấn/ha. Đáng chú ý, mô hình cánh đồng lớn sản xuất bắp giống do HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phước An, xã Phước Vinh (Ninh Phước) triển khai có sự liên kết với Công ty TNHH Hạt giống CP Việt Nam năng suất vượt trội, đạt 8 tấn/ha, đưa lại lợi nhuận cho hộ trồng cao gấp 1,5 lần so với sản xuất truyền thống trước đây. Đồng chí Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: Đạt được kết quả đó là nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh trong việc thực hiện các giải pháp sử dụng nguồn nước hợp lý và tiết kiệm, tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng trọt phù hợp với điều kiện thực tế ở từng khu vực.
Có thể nói, thắng lợi trong sản xuất vụ hè - thu đã chứng minh chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh nhân rộng mô hình cánh đồng lớn gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị của tỉnh là đúng hướng. Thông qua thực hiện các chương trình đã nâng cao giá trị đơn vị diện tích, góp phần vào tăng thu nhập cho nông dân.
Anh Tùng