Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổi lễ.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dự và trao Quyết định cho các Đại sứ. Cùng dự Lễ trao có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, đại diện lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Ngoại giao.
Sau Lễ trao Quyết định, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi tiếp và giao nhiệm vụ cho 24 Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nhiệm kỳ 2018-2021.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc mừng các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao trọng trách tại 24 địa bàn thường trú và 29 địa bàn kiêm nhiệm ở 5 châu lục; đánh giá cao Bộ Ngoại giao đã lựa chọn kỹ trong quy hoạch chung về nhân sự, đề xuất với Đảng, Nhà nước bổ nhiệm, trong đó có một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, 2 Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao. Chủ tịch nước nhấn mạnh, đây là vinh dự to lớn và cũng là trách nhiệm vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó cho các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện.
Chủ tịch nước nêu rõ, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện nhận nhiệm vụ mới trong bối cảnh đất nước ta đang ở thời điểm then chốt của hội nhập quốc tế sâu rộng, triển khai Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 với các mục tiêu: Tăng trưởng GDP bình quân đạt 6,5-7%/năm, GDP bình quân đầu người đạt 3.200-3.500 USD, xuất khẩu tăng trên 10%/năm và đạt 300 tỷ USD vào năm 2020. Chủ tịch nước cũng chỉ rõ, môi trường quốc tế và khu vực có nhiều biến chuyển nhanh, phức tạp. Kinh tế thế giới bước vào chu kỳ phát triển mới với nhiều cơ hội mới và thách thức đan xen; tình hình an ninh, chính trị quốc tế và khu vực có nhiều chuyển dịch nhanh hơn dự báo, tính bất ổn, khó lường gia tăng; cạnh tranh nước lớn gay gắt hơn, chiến tranh thương mại bùng nổ; nhiều nước thay đổi phương thức ngoại giao truyền thống… đặt ra thách thức gay gắt đối với an ninh và phát triển của đất nước ta.
Trong bối cảnh này, nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó có đối ngoại, là phải đổi mới tư duy, cách tiếp cận, “biến nguy thành an”, biến thách thức thành cơ hội, định vị Việt Nam sao cho có lợi nhất trong cục diện thế giới và khu vực đang định hình hiện nay.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang giao nhiệm vụ các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện tập trung làm tốt công tác nắm, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước có các chủ trương, giải pháp nhằm đưa các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, nhất là với các nước láng giềng, nước lớn, đối tác quan trọng, gia tăng đan xen lợi ích về kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh..., duy trì quan hệ ổn định với các nước. Cùng với đó là chủ động, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành liên quan trong việc phòng ngừa và cảnh báo xung đột; kiên trì giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử của khu vực; nêu cao ngọn cờ chính nghĩa và công lý, lòng yêu chuộng hòa bình của dân tộc, đồng thời sẵn sàng các phương án đấu tranh, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia - dân tộc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối ngoại nhằm tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có các dấu hiệu tăng trưởng tích cực, nhưng đất nước ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện tập trung nâng cao chất lượng ngoại giao kinh tế, khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tìm tòi giải pháp nhằm đa dạng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam, thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài chất lượng cao...
Chủ tịch nước nhấn mạnh, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện phải chú trọng triển khai chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là tích cực, chủ động tham gia các tổ chức, diễn đàn đa phương theo phương châm Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, nhất là ASEAN, các cơ chế, diễn đàn khu vực và Liên Hợp Quốc để thúc đẩy các sáng kiến và lan tỏa sự đóng góp của Việt Nam. Đây là những cơ chế rất quan trọng để thúc đẩy, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam trên cơ sở thượng tôn pháp luật, coi trọng hợp tác, phát triển và tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, đồng bào, công dân Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận máu thịt không thể tách rời của dân tộc. Hiện nay có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài và hàng chục triệu lượt người Việt học tập, lao động, du lịch, kinh doanh... ở nước ngoài. Chính vì vậy, công tác kiều bào và bảo hộ công dân cần tiếp tục là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, hết sức quan trọng của các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện. Mỗi Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải là chỗ dựa tin cậy cho kiều bào, công dân Việt Nam và của mọi người con đất Việt ở xa Tổ quốc.
Chủ tịch nước căn dặn các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện cần chăm lo công tác xây dựng tổ chức Đảng, xây dựng cơ quan trong sạch, vững mạnh toàn diện; làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, giữ gìn bí mật quốc gia, bí mật công tác, tích cực phòng, chống hoạt động lôi kéo, mua chuộc của các thế lực thù địch và phần tử xấu; tập trung giữ vững sự đoàn kết thống nhất, tập hợp sức mạnh của các lực lượng trên địa bàn, chung sức đồng lòng, nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu chung là phục vụ tốt nhất lợi ích quốc gia - dân tộc và sự phát triển bền vững của đất nước.
Nguồn: chinhphu.vn