Thẳng thắn trả lời chất vấn theo tinh thần đổi mới

(NTO) Ngày 5-7, kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa X bước sang ngày làm việc thứ 2. Buổi sáng, các đại biểu tập trung thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh; kết quả giám sát chuyên chề của HĐND tỉnh. Tại phiên họp, có 15 lượt đại biểu tham gia ý kiến liên quan đến các lĩnh vực: Tài chính, thuế, giao thông, nông nghiệp nông thôn, khoa học công nghệ, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tình hình an ninh trật tự…

Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm cao, tại phiên họp, lãnh đạo các đơn vị liên quan đã giải trình làm rõ thực trạng, khó khăn, nêu các giải pháp phối hợp tháo gỡ vướng mắc, tồn tại liên quan đến những nhóm vấn đề mà đại biểu và cử tri đề cập. Đồng thời, cho biết những giải pháp sẽ tập trung chỉ đạo với từng nội dung cụ thể, cũng như quyết tâm mạnh mẽ để thực hiện tốt việc giám sát, triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao đạt hiệu quả hơn.

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Buổi chiều, các đại biểu họp phiên chất vấn và nghe trả lời chất vấn của lãnh đạo các sở: Giáo dục và Đà tạo (GD&ĐT), Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Dưới sự điều hành của đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, bước vào phiên họp, đồng chí Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT đã lần lượt trả lời 4 nhóm vấn đề mà cử tri và nhân dân trong tỉnh quan tâm.

Theo đó, đối với nội dung câu hỏi của đại biểu Thái Văn Lai, Phó trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh liên quan đến thực trạng, kết quả sắp xếp mạng lưới trường, lớp ở các cấp học; giải pháp của ngành để thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập, nhằm đến năm 2021 giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 10% biên chế sự nghiệp và có 10% đơn vị tự chủ về tài chính. Vấn đề này, đồng chí Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Tính đến tháng 6-2018 toàn tỉnh có 343 cơ sở trường học, với 146.219 học sinh, sinh viên; trong đó, có 317 cơ sở giáo dục công lập/135.729 học sinh và 26 cơ sở ngoài công lập/10.490 học sinh. Để triển khai thực hiện đảm bảo các nhiệm vụ, mục tiêu theo Nghị quyết số 19, trong thời gian tới, ngành tiếp tục rà soát, sắp xếp trường, lớp gắn với công tác luân chuyển, điều động, tinh giản biên chế; đồng thời chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên... Phấn đấu đến năm 2021 toàn ngành sắp xếp lại còn 275 đơn vị công lập, giảm 35 đơn vị, đạt 11,3% so với chủ trương của Tỉnh ủy đề ra.

Đại biểu Nguyễn Văn Nhựt, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh
chất vấn các sở, ngành tại phiên họp.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hữu Tuấn, Bí thư Tỉnh đoàn liên quan đến nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học của ngành Giáo dục hiện nay, đồng chí Nguyễn Bá Ninh nêu rõ: Thời điểm trước năm 2010, ngành GD&ĐT luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương trong việc hỗ trợ các nguồn vốn. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, nguồn vốn chương trình mục tiêu về giáo dục bị cắt giảm nhiều, chỉ còn nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ODA nhưng cũng chỉ đầu tư ở những địa bàn đặc biệt khó khăn. Do vậy, cơ sở vật chất của các trường vẫn chưa được đồng bộ, có trường chỉ có phòng học mà chưa có văn phòng hiệu bộ, phòng thí nghiệm, thực hành, khu vệ sinh… Qua rà soát, hiện nay nhu cầu vốn đầu tư cho ngành Giáo dục của tỉnh giai đoạn 2017 – 2025 khoảng 3.236,4 tỷ đồng. Trong thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho giáo dục; tiếp tục điều chỉnh, bổ sung danh mục kêu gọi đầu tư; tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, nguồn vốn từ các dự án như ODA, trái phiếu Chính phủ…, nhằm tăng tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học; tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia lên 50% vào năm 2020.

Liên quan đến nội dung câu hỏi của đại biểu Trần Đỗ Oanh, Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh yêu cầu người đứng đầu Sở GD&ĐT cho biết giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả phân luồng học nghề cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS và giải quyết việc làm cho học sinh sau khi học xong nghề. Vấn đề này, đồng chí Nguyễn Bá Ninh thông tin thêm để đại biểu và cử tri biết, năm học 2017 – 2018 ngành đã có các giải pháp phân luồng để tăng tỷ lệ học sinh sau THCS, THPT vào học trung cấp chuyên nghiệp và học nghề. Cụ thể, trong tổng số 7.389 em học sinh tốt nghiệp THCS, tỷ lệ vào học lớp 10 THPT đạt 78%, số còn lại 22% vào học hệ giáo dục thường xuyên và học nghề. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng như đại biểu nêu là do việc phối hợp giữa các trường phổ thông với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh THCS, THPT chưa thật sự hiệu quả. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin thị trường lao động còn thiếu và chậm cập nhật, chưa đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Trong thời giai tới, ngành tập trung nâng cao nhận thức về giáo dục định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông; tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp , hình thức giáo dục hướng nghiệp; tăng cường kết nối giữa các trường phổ thông với các cơ sở đào tạo, cơ quan dự báo như cầu nhân lực…, đảm bảo mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 30% và đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đối với nội dung chất vấn của đại biểu Pinăng Thị Mai, Bí thư Đảng ủy xã Phước Đại (Bác Ái) liên quan đến việc kiểm định chất lượng giáo dục hiện nay, đồng chí Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng, công tác kiểm định chất lượng giáo dục được Bộ GD&ĐT triển khai từ năm 2009 – 2010. Đối với tỉnh ta, đến thời điểm hiện nay đã có 273/309 cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên đã hoàn thành tự đánh giá chất lượng giáo dục (chiếm 88,35%), còn 36 cơ sở giáo dục phổ thông tiến độ thực hiện đánh giá còn chậm (chiếm 11,65%). Thực tế này ngành đã thấy và sẽ khắc phục trong thời gian tới bằng cách tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ quản lý về xây dựng kế hoạch kiểm định, kỹ năng thiết lập hồ sơ minh chứng... Mặt khác, ngành phối hợp các sở, ngành và địa phương tham mưu Tỉnh ủy và UBND tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đáp ứng các tiêu chí về kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định.

Tiếp đó, đồng chí Bùi Anh Tuấn, Giám đốc Sở TN&MT đã trả lời nội dung chất vấn của các đại biểu: Lê Văn Lợi, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; Kiều Như Bổn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; Bá Bình Yên, Phó Chủ tịch HĐND huyện Thuận Nam liên quan đến việc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; việc tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; công tác quản lý và khai thác khoáng sản hiện nay; những giải pháp để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn Tp.Phan Rang – Tháp Chàm… Với trách nhiệm người đứng đầu ngành TN&MT đồng chí Bùi Anh Tuấn đã giải trình rõ thực trạng, khó khăn từng vấn đề. Đồng thời, cho biết Sở TN&MT sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh để chỉ đạo, điều hành, giao trách nhiệm cụ thể đến từng tổ chức, cá nhân, nhất là những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương để giám sát việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao đạt hiệu quả hơn.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi. Các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, cụ thể, ngắn gọn theo tinh thần đổi mới trong hoạt động chất vấn, phản ánh được những ý kiến, trăn trở, bức xúc của người dân. Lãnh đạo các sở, ngành trả lời đúng chức năng nhiệm vụ, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, đi thẳng vào vấn đề cử tri quan tâm. Đồng chí yêu cầu các đại biểu cần nghiêm túc tiếp thu tinh thần trả lời chất vấn của các đơn vị để có cơ sở tuyên truyền, giải thích lại cho cử tri rõ, hiểu đúng, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Kết thúc phiên chất vấn, các đại biểu đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc cho thôi chức danh Ủy viên UBND tỉnh Ninh Thuận, nhiệm kỳ 2016- 2021 đối với Đại tá Huỳnh Công Năng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (lý do nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định). Các đại biểu cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả bầu bổ sung Đại tá Lưu Xuân Phương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Thuận giữ chức danh Ủy viên UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2016 -2021.