Hồ Chí Minh - Tấm gương đạo đức sáng ngời

(NTO) Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng mác-xít sáng tạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Tư tưởng của Người không chỉ là sự vận dụng mà còn phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam, phản ánh tinh thần thời đại, xu thế vận động và phát triển của thế giới hiện đại và đương đại.

1. Tấm gương đạo đức trong chỉnh thể tư tưởng - đạo đức và phong cách của Hồ Chí Minh

Tư tưởng của Người hợp thành một hệ thống các quan điểm, nguyên tắc và phương pháp ở tầm chiến lược và sách lược về cách mạng và con đường cách mạng Việt Nam. Đó là cách mạng giải phóng dân tộc, chống đế quốc thực dân và phong kiến, xóa bỏ ách áp bức, bóc lột và nô dịch của chúng, giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho đồng bào mình và cho các dân tộc đang bị đế quốc thực dân thống trị. Khát vọng tự do và quyền làm chủ của nhân dân trong một xã hội công bằng, bình đẳng, dân chủ với thể chế pháp quyền là một trong những điểm nổi bật, nhất quán của tư tưởng Hồ Chí Minh. Động cơ thúc đẩy Người hành động không mệt mỏi để thực hiện, là: lòng yêu nước, thương dân vô hạn. Suốt đời, Người phấn đấu và theo đuổi hệ giá trị Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Đó là những giá trị cốt yếu của phát triển. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Cách mạng Tháng Mười Nga và thời đại được Người giác ngộ, đem lại cho Người niềm tin khoa học và lập trường cách mạng kiên định, đó cũng là nguồn sáng chiếu rọi cuộc hành trình tư tưởng - lý luận và tranh đấu trong thực tiễn của Người trên “Đường cách mệnh”(1). Bởi thế, với Hồ Chí Minh: giải phóng là điều kiện, tiền đề của phát triển, giải phóng dân tộc để phát triển dân tộc, độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đặt giải phóng dân tộc lên hàng đầu, trên lập trường của giai cấp công nhân; đặt cách mạng giải phóng dân tộc trong quỹ đạo của cách mạng kiểu mới - cách mạng vô sản, do Đảng kiểu mới - Đảng Cộng sản cách mạng chân chính lãnh đạo; xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, từng bước quá độ tới chủ nghĩa xã hội, đó là sự lựa chọn của Hồ Chí Minh và là chủ kiến, chủ thuyết phát triển của Người (2).

Với Hồ Chí Minh, cách mệnh là phá cái cũ lỗi thời, lạc hậu đổi ra cái mới tiến bộ, phát triển. Cách mệnh trước hết phải có Đảng. Đảng phải có chủ nghĩa làm cốt. Đảng không có chủ nghĩa giống như người không có trí khôn. Chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lê-nin (Mác – Lê-nin). Người cách mệnh, Đảng cách mệnh phải giác ngộ, phải theo đuổi chủ nghĩa đó đến cùng. Cách mệnh do Đảng lãnh đạo phải có lực lượng, Công - Nông là gốc của cách mệnh, phải đoàn kết toàn dân thành lực lượng to lớn thì cách mệnh mới thành công. Đoàn kết là một tư tưởng chiến lược, nổi bật, xuyên suốt đường lối và phương pháp cách mạng của Hồ Chí Minh. Theo Người, thắng lợi của cách mạng không chỉ dựa vào thiên thời, địa lợi mà quan trọng, quyết định nhất là nhân hòa, cho nên mọi quyết sách, việc làm và hành động phải thuận lòng dân, hợp với ý nguyện của dân, không làm điều gì trái ý dân. “Vì dân” là mục đích của cách mạng, là lẽ sống của người cách mạng. Việc gì có lợi cho dân thì quyết làm cho bằng được. Việc gì có hại tới dân phải quyết tránh cho bằng được. Phục vụ nhân dân là phục tùng chân lý cao nhất. Suốt đời làm công bộc tận tụy, làm đầy tớ trung thành của nhân dân là lựa chọn lẽ sống cao thượng nhất.

Là một điển hình mẫu mực của sự nhất quán giữa nhận thức và hành động, giữa nói và làm, đã nói là làm và sống theo phương châm: nói ít làm nhiều, chủ yếu là hành động, Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng kiệt xuất về một lãnh tụ của dân, suốt đời vì dân, gắn bó máu thịt với dân, dấn thân và dâng hiến cả đời mình trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và hạnh phúc của dân tộc và nhân dân. Tận trung với Nước, tận hiếu với Dân để tận hiến, dâng hiến cả cuộc đời và sự nghiệp cho dân tộc, cho cả nhân loại. Đó là sự cao thượng, vĩ đại của Hồ Chí Minh. Bởi thế, Người sống mãi trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Không một chút riêng tư, Người suốt đời đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, kẻ thù nguy hiểm nhất; thứ “giặc nội xâm”, “giặc ở trong lòng”, làm hư hỏng không ít người cách mạng, làm suy yếu Đảng như thực tế đã xảy ra, làm cho dân mất niềm tin, kết cục là thất bại và đổ vỡ. Bài học đau đớn, phải trả giá đắt ở Liên Xô, Đông Âu cách đây 1/4 thế kỷ vẫn còn nguyên tính thời sự và ý nghĩa cảnh báo. Điều đó cho thấy đạo đức cách mạng của người cách mạng, của Đảng cách mạng, nhất là khi Đảng đã cầm quyền quan trọng biết nhường nào. Qua đó, thấy được sự mẫn cảm đặc biệt, tầm nhìn xa trông rộng của Hồ Chí Minh về vấn đề hệ trọng này.

Năm 1927, khi viết tác phẩm “Đường cách mệnh” - đặt nền móng tư tưởng lý luận, đồng thời chuẩn bị về chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng, Người đã đặt lên hàng đầu vấn đề “Tư cách của người cách mệnh”, trong đó nổi bật yêu cầu “phải giữ chủ nghĩa cho vững”, “phải ít lòng tham muốn về vật chất”. Di chúc để lại cho đồng bào, đồng chí trước lúc đi xa, Người căn dặn “Trước hết nói về Đảng”, phải: giữ gìn đoàn kết thống nhất như giữ gìn con ngươi của mắt mình; ra sức thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng; thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, thật sự xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Người còn căn dặn “đầu tiên là công việc với con người”, Đảng và Chính phủ phải có kế hoạch và chính sách thật cụ thể, đúng đắn để chăm lo đời sống của dân, miễn thuế nông nghiệp cho bà con nông dân, giáo dục truyền thống dân tộc và cách mạng, chăm lo cuộc sống cho các gia đình chính sách, những người có công với nước, quan tâm tới sự tiến bộ, trưởng thành của phụ nữ, thanh niên, v.v. Tình thương yêu của Người dành cho tất cả mọi người, mọi cảnh đời, mọi số phận, không sót một ai. Nhân ái - Vị tha - Bao dung là những đặc trưng nổi bật của đạo đức, nhân cách Hồ Chí Minh, hiện thân sinh động và cảm động nhất về một “Con Người lý tưởng”, hài hòa Chân - Thiện - Mỹ, kết tinh và thăng hoa những phẩm chất tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam hòa quyện với tinh hoa văn hóa nhân loại và tinh thần thời đại.

(Mời xem tiếp kỳ sau)
----------------------------------------------------------------
(1) Đây là một trong năm tác phẩm của Người được xếp hạng Bảo vật quốc gia.
(2) Tô Huy Rứa, Hoàng Chí Bảo (chủ biên) - Chủ thuyết phát triển của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, H. 2017.