Tháng 5, trong tiếng ve râm ran gọi hè về, báo hiệu một năm học sắp kết thúc, chúng tôi về xã Phước Thành (Bác Ái) thăm lại Trường TH Phước Thành A, ngôi trường từng để lại ấn tượng đẹp về sự tận tình của đội ngũ thầy cô giáo nhà trường khi trích quỹ lương cá nhân để hỗ trợ bữa cơm cho 10 em HS có nhà cách xa trường. Đi dưới hàng cây xanh rợp bóng, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi của nhà trường sau nhiều năm thực hiện phong trào THTT-HSTC. Trường đã được đầu tư khang trang, sạch đẹp với khuôn viên có nhiều cây xanh bóng mát, đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi của HS. Thầy giáo Nguyễn Thế Hải, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Những năm qua, nhà trường luôn tích cực xây dựng môi trường học tập thân thiện, bằng các việc làm cụ thể nhằm gắn kết tình thầy trò thông qua việc cùng thầy cô chăm sóc khuôn viên cây cảnh, tham gia sắp xếp, trang trí phòng thư viện theo chủ đề văn hóa dân tộc Raglai hay các buổi học ngoại khóa về kỹ năng sống. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn nỗ lực xây dựng trường lớp xanh, sạch đẹp, an toàn, thông qua việc vận động các nguồn tài trợ của cá nhân, tập thể, doanh nghiệp để chỉnh trang lại phòng học. Nhờ đó, hiện nay, nhà trường đã có hệ thống nước uống sạch, khuôn viên vui chơi và sắp tới là mở rộng khu thư viện đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của học sinh về sinh hoạt và học tập.
Học sinh Trường TH Phước Thành A đến đọc sách tại thư viện nhà trường.
Tại Trường Dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã Phước Trung) cũng đã có nhiều cách làm hay và sáng tạo trong phong trào xây dựng THTT-HSTC như: xây dựng sân trường xanh-sạch-đẹp, xây dựng phòng trưng bày các hiện vật về văn hóa Raglai; tổ chức các buổi học ngoại khóa về nhạc cụ dân tộc, hát sử thi hay thư viện xanh…Đặc biệt, nhà trường đã tích cực lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa Raglai thông qua việc mời các già làng, nghệ nhân đến kể chuyện và dạy các em cách sử dụng nhạc cụ dân tộc, cách hát sử thi…Em Pur Pur Ngọc Liên, chia sẻ: Nhờ đến trường học, em được làm quen với hát sử thi, biết tự tay đánh mã la cũng như tìm hiểu kỹ hơn về văn hóa của dân tộc mình, em rất thích và tự hào…Thầy giáo Đặng Ngọc Hải, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bác Ái cho biết: Xây dựng THTH-HSTC được huyện triển khai từ năm 2008, với 100% trường đăng ký tham gia. Theo đó, các trường đều xây dựng kế hoạch và các biện pháp tổ chức thực hiện phong trào một cách cụ thể, thiết thực. Nét nổi bật của phong trào tại địa phương là các trường đẩy mạnh việc dạy học hiệu quả, phù hợp với lứa tuổi HS đồng thời gắn với giáo dục truyền thống, văn hóa bản địa của người Raglai, thông qua đó, thúc đẩy tinh thần chủ động trong học tập cho các em HS. Cùng với đó, việc rèn luyện kỹ năng sống cho các em cũng được các trường quan tâm và đưa vào nội dung giáo dục với các hoạt động ngoài giờ lên lớp với nội dung giáo dục, rèn luyện ý thức bảo vệ sức khỏe, phòng chống tai nạn đuối nước, thương tích cho HS; tổ chức các hoạt động và phong trào vui chơi, giải trí lành mạnh gắn với phong trào thi đua học tập tốt. Bước đầu, HS đã biết vận dụng kiến thức, kỹ năng để giải quyết các tình huống gặp phải trong thực tế, vì vậy, các em càng tự tin, ứng xử thân thiện hơn khi giao tiếp, xử lý tình huống trong cuộc sống, tự giác chấp hành nội quy trường, lớp và có ý thức học tập, rèn luyện thân thể, qua đó, sĩ số HS đến lớp ở các trường luôn duy trì ổn định trên 96%.
Phần thưởng lớn nhất đối với mỗi nhà trường khi thực hiện phong trào xây dựng THTT-HSTC chính là đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục ở địa phương, thể hiện qua, niềm vui, sự trưởng thành về nhân cách của HS, niềm vui của gia đình và còn là niềm tin của xã hội đối với nhà trường và ngành giáo dục huyện nhà.
Lê Thi