Xã Phước Thắng hiện có 4 thôn, với gần 900 hộ dân; trong đó, đồng bào Raglai chiếm hơn 90%. Kinh tế chủ yếu của người dân địa phương là sản xuất nông nghiệp. Theo đồng chí Katơr Phương, Chủ tịch UBND xã Phước Thắng, đất sản xuất nông nghiệp của xã có khoảng 850 ha, tuy nhiên phần lớn là đất xám bạc màu, vùng triền núi nhiều sỏi đá. Hơn nữa, những năm gần đây, tình hình thời tiết diễn biến bất thường với các đợt hạn hán, mưa lũ kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của nông dân. Cùng với đó, chăn nuôi gia súc tại địa phương cũng gặp không ít khó khăn khi diện tích đồng cỏ tự nhiên dần bị thu hẹp, các chủ hộ chăn nuôi chưa chú trọng đến trồng cỏ và thiếu kỹ năng chăm sóc, phòng bệnh cho gia súc nên việc chăn nuôi kém phát triển. Cùng với đó, ngoài nông nghiệp ra, người dân tại các thôn không có nhiều ngành nghề khác nên mức thu nhập bình quân còn khá thấp (dưới 15 triệu đồng/người/năm). Thêm nữa, hệ thống kênh mương nội đồng tuy đã được kiên cố hóa và phân bố gần 70% diện tích đất sản xuất, tuy nhiên do địa hình trải rộng, không đồng đều nên nhiều diện tích đất sản xuất ở vùng cao phải bỏ hoang hoặc trồng cây không đem lại hiệu quả kinh tế. Chúng tôi đến với thôn Ha Lá Hạ, một trong những thôn còn tỷ lệ hộ nghèo gần 65%, cao nhất xã, để tìm hiểu rõ những khó khăn của địa phương. Ông Pinăng Dũng, Trưởng thôn Ha Lá Hạ, cho biết: Dù đã được chính quyền địa phương hỗ trợ về nhiều mặt, tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn còn khá lúng túng trong chọn cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp với điều kiện và thổ nhưỡng đất sản xuất của gia đình, do đó những nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế đã sử dụng không được hiệu quả; đồng thời vẫn còn nhiều hộ còn thiếu tính tự lập, chưa tự vươn lên để ổn định kinh tế gia đình; cách chi tiêu trong cuộc sống chưa thật phù hợp, do đó ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo tại địa phương.
Nhiều gia đình ở xã Phước Thắng thoát nghèo nhờ được hỗ trợ bò giống
phát triển chăn nuôi. Ảnh: Phan Hiếu
Trước những khó khăn trên, những năm qua, cấp ủy và chính quyền xã Phước Thắng đã tích cực đồng hành cùng nhân dân trong phát triển kinh tế gia đình; trong đó giải quyết “bài toán” khó trên vùng đất sản xuất còn khô cằn và không chủ động nguồn nước tưới được địa phương quan tâm hàng đầu. Tại các vùng đất sản xuất chưa chủ động nguồn nước, xã đã vận động nhân dân chuyển đổi cây lúa nước sang các cây trồng dài ngày ít sử dụng nước tưới như: mì, mía và các cây họ đậu dưới sự giám sát chặt chẽ của cán bộ chuyên môn trạm khuyến nông, cán bộ nông nghiệp địa phương. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ phục vụ thức ăn cho gia súc. Đơn cử trong năm 2017, được sự hỗ trợ từ Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình 135, nhóm cùng sở thích nuôi bò được hỗ trợ 30 con bò và hơn 350 triệu đồng giúp bà con chuyển đổi trồng lúa sang mô hình trồng cỏ cung cấp thêm thức ăn cho gia súc, đến nay đàn bò phát triển tốt và cho sinh sản, tạo sinh kế cho các hộ nghèo. Đồng thời, xã thường xuyên kết hợp cùng các tổ chức đoàn thể tại địa phương trực tiếp tư vấn, hướng dẫn người dân đầu tư và sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích cũng như lồng ghép các nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ bà con phát triển sản xuất. Đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành các mô hình thâm canh lúa nước, mì cao sản, bắp lai, trang trại bò, cừu, heo đen với quy mô lớn, nhờ vậy mà công tác xóa đói, giảm nghèo của địa phương đã có những chuyển biến tích cực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng bằng sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng sự đồng thuận của nhân dân, Phước Thắng sẽ từng bước vươn lên giảm nghèo bền vững.
Lê Thi