Nhà giáo Ưu tú Phạm Hồng Cường, nguyên Giám đốc Sở GD và ĐT, hiện nay là Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh đã đồng hành cùng thành tựu của sự nghiệp giáo dục địa phương qua 43 năm giải phóng và qua 26 năm tái lập tỉnh, phấn khởi: So với những năm đầu mới tái lập tỉnh thì sự nghiệp giáo dục Ninh Thuận hiện nay đã phát triển vượt bậc cả về quy mô trường lớp cũng như chất lượng dạy và học của đội ngũ giáo viên, học sinh. Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chăm lo, đầu tư xây dựng sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà ngày một phát triển. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý vững vàng năng lực chuyên môn, tâm huyết với nghề. Các thế hệ học sinh ngày càng thông minh, năng động, có tri thức, sức khỏe và kỹ năng sống. Hệ thống giáo dục được Nhà nước và các nguồn lực xã hội chung tay đầu tư mở rộng đến khắp các vùng miền trong tỉnh, tạo nền tảng vững chắc góp phần nâng cao dân trí trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước.
Thiết bị CNTT hiện đại được đầu tư đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Trong ảnh: Tiết học thực hành môn Tin học của học sinh Trường THPT An Phước).
Nhìn lại năm học 1992- 1993, năm học đầu tiên khi tái lập tỉnh, hoạt động dạy và học trong điều kiện thiếu thốn về phòng ốc, học sinh phải học nhờ, học tạm, học ca ba. Đội ngũ giáo viên ở các trường nông thôn, miền núi vừa thiếu về số lượng và yếu về chất lượng do chưa qua đào tạo sư phạm. Toàn tỉnh có 206 đơn vị trường học, với 3.155 giáo viên giảng dạy cho 82.040 học sinh các cấp. Nhiều xã vùng đặc biệt khó khăn chưa có trường mẫu giáo, tỉ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp chỉ đạt 23,3%. Cấp tiểu học có 106 trường, với 56.455 học sinh; THCS có 18 trường với 15.080 học sinh; THPT có 5 trường với 3.170 học sinh. Tình trạng lưu ban, bỏ học giữa chừng ở bậc học phổ thông chiếm tỉ lệ cao. Toàn tỉnh chỉ có 608 học sinh lớp 12 thi đỗ THPT và 215 học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng...
Qua 26 năm xây dựng và phát triển, tính đến năm học 2017- 2018, ngành GD và ĐT đã có 328 trường học, với 10.862 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đạt chuẩn và trên chuẩn nghiệp vụ chuyên môn, đảm nhận giảng dạy cho trên 135 ngàn học sinh, từ cấp học Mầm non đến THPT. Trong đó, Mầm non có 92 trường, với 1.289 giáo viên giảng dạy cho 23.035 học sinh, được Bộ GD và ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Cấp Tiểu học có 152 trường, với 3.111 giáo viên giảng dạy cho 55.611 học sinh, tỉ lệ huy động trẻ trong độ tuổi lớp 1 đến trường đạt 99,9%. Cấp THCS có 64 trường, với 2.163 giáo viên giảng dạy cho 37.514 học sinh; 100% xã, phường, huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS; người dân 15-18 tuổi tốt nghiệp THCS đạt 85,3%. Cấp THPT có 20 trường, với 1.005 giáo viên giảng dạy cho 16.378 học sinh. Mạng lưới trường lớp các cấp học đã phủ kín đến địa bàn 65 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, học sinh cấp THPT tăng gấp 5 lần so với thời điểm tái lập tỉnh. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, tỷ lệ học sinh khá giỏi các cấp học đều tăng, tình trạng lưu ban, bỏ học giảm. Toàn tỉnh hiện có 102 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm trên 31 % cơ sở giáo dục, bao gồm 12 trường mẫu giáo, 61 trường tiểu học, 26 trường THCS và 3 trường THPT. Các trường tiểu học ở vùng đặc biệt khó khăn như: Phước Bình A, Phước Đại B, Phước Tiến A, Phước Kháng…nỗ lực vươn lên xây dựng nhà trường đạt chuẩn quốc gia. Đội ngũ giáo viên các cấp học đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng hiệu quả CNTT, chăm lo nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện của học sinh, tích cực góp phần cùng toàn ngành GD và ĐT hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2016- 2017 vừa qua, toàn tỉnh có 4.523 học sinh tốt nghiệp THPT đạt 95,26%, và 157 học viên tốt nghiệp GDTX THPT, đạt 58% số dự thi. Học sinh tốt nghiệp THPT đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước đạt trên 64%...
Đội ngũ giáo viên tâm huyết gắn bó với sự nghiệp trồng người ở huyện vùng cao Bác Ái.
Tỉnh ta có nhiều học sinh đạt danh hiệu học giỏi cấp quốc gia và thi đỗ thủ khoa các trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh như: Đỗ Trần Kim Trinh, đỗ thủ khoa Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh (năm 2004); Phan Ngọc Anh đỗ thủ khoa Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (năm 2007). Có nhiều du học sinh, nghiên cứu sinh đạt thành tích học tập, nghiên cứu xuất sắc ở các trường đại học trên thế giới. Trong đó có những cá nhân tiêu biểu được Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng như: Dương Anh Vũ đã xác lập 4 kỷ lục thế giới về trí nhớ học thuật, được nhận nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế; hiện đang là nghiên cứu sinh tại Đại học Leeds (Vương Quốc Anh); Châu Thanh Vũ, tốt nghiệp hạng danh dự tại Đại học Princeton và được 8 trường đại học tại Hoa Kỳ cấp học bổng toàn phần, là nghiên cứu sinh kinh tế tại Đại học Harvard; Lê Huyền Thảo Uyên tốt nghiệp Thạc sĩ trở thành giảng viên bộ môn Toán giải tích tại Trường Đại học West Virginia, Hoa Kỳ; Nguyễn Hữu Cát Thư được nhận học bổng toàn phần chuyên ngành Kỹ sư chế tạo của Viện công nghệ Massachusetts (Hoa Kỳ). Sau khi tốt nghiệp, cô được nhà trường giữ lại tham gia điều hành lò nghiên cứu hạt nhân của trường...
Trong những năm qua, ngân sách nhà nước và các tổ chức, cá nhân đầu tư hàng ngàn tỷ đồng thực hiện đề án kiên cố hóa trường lớp học theo hướng hiện đại đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng phòng công vụ cho giáo viên, phòng thí nghiệm- thực hành, nhà luyện tập đa năng, thư viện, thiết bị dạy học... bảo đảm cơ sở vật chất góp phần nâng toàn diện chất lượng giáo dục. Hội Khuyến học các cấp vận động các đơn vị, các nhà hảo tâm ủng hộ hàng trăm tỷ đồng giúp hàng chục ngàn lượt học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có điều kiện đến trường. Tính riêng trong năm 2017, toàn tỉnh đã trao tặng gần 33.000 suất học bổng, trị giá trên 7,7 tỷ đồng. Mạng lưới các trường phân hiệu đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp nghề, trung tâm kỹ thuật tổng hợp, giáo dục thường xuyên hoạt động hiệu quả. Các đơn vị đa dạng hóa hình thức đào tạo chương trình đại học, cao đẳng, trung cấp cho hàng chục ngàn lao động địa phương. Các trung tâm học tập cộng đồng phát huy hiệu quả hoạt động mở nhiều lớp tập huấn nâng cao toàn diện kiến thức cho nhân dân. Mô hình trường phổ thông bán trú được thực hiện hiệu quả ở các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Thuận Nam, thu hút học sinh đồng bào dân tộc thiểu số chuyên cần học tập. Tổ chức tốt việc dạy và học chữ Chăm ở 24 trường tiểu học với trên 7.000 học sinh vùng đồng bào Chăm. Từ năm 2008 đến nay, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn chính thức đi vào hoạt động trở thành “chiếc nôi” đào tạo nhân tài trên địa bàn tỉnh. Phân hiệu Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận được thành lập đi vào hoạt động từ năm 2010 đến nay trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh ta trên các lĩnh vực nông nghiệp, quản trị kinh doanh...
Đồng chí Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc Sở GD và ĐT cho biết: Thực hiện nhiệm vụ được Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao phó, ngành GD và ĐT tập trung đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII vào thực tiễn hoạt động nâng cao chất lượng dạy và học. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trọng tâm là đổi mới phương pháp dạy và học tiếp cận với trình độ tiên tiến, nâng cao chất lượng giáo dục, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Tiếp tục thực hiện Nghị Quyết 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) và Chỉ thị 41 CT-TU, ngày 10-10- 2017, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017- 2020. Phát huy thành tựu đạt được qua 26 năm tái lập tỉnh, ngành GD và ĐT tỉnh nhà tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2017- 2018 và những năm tiếp theo.
Phượng Vĩ