Đổi thay trên quê hương Vạn Phước anh hùng

(NTO) Những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi có dịp về thôn Vạn Phước (xã Phước Thuận, Ninh Phước) viếng thăm Nhà tưởng niệm đồng chí Trần Thi-người cộng sản, người con ưu tú của Ninh Thuận. Trong kháng chiến, làng Vạn Phước là cái nôi của phong trào cách mạng. Khi hòa bình lập lại, người dân Vạn Phước tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, chung tay xây dựng nông thôn mới ấm no, hạnh phúc.

Cái nôi của phong trào cách mạng

Làng Vạn Phước, nơi có cơ sở cách mạng đầu tiên của huyện Ninh Phước, là quê hương, nơi nuôi dưỡng tâm hồn, khí phách cụ Trần Thi (1891-1967)-người con ưu tú của quê hương Ninh Thuận. Ngưỡng mộ phong trào Duy Tân của cụ Phan Chu Trinh, năm 1928, người thanh niên Trần Thi đã tập hợp một số người quen biết, có tâm huyết, lập nên “Hội đồng ước”, một tổ chức hoạt động công khai, nửa hợp pháp. Mục đích và tư tưởng của “Hội đồng ước” là bài trừ “ngũ tệ” (rượu, cờ bạc, thuốc phiện, trai gái đàng điếm, mê tín dị đoan) và phát huy “ngũ thường” (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Ngày 1-5-1930, cờ đỏ búa liềm lần đầu tiên được treo trên cột đình làng Vạn Phước, truyền đơn được rải khắp nơi, tạo khí thế cách mạng sôi nổi chưa từng thấy từ trước đến nay. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Trần Thi, làng Vạn Phước là một trong những nơi có phong trào đấu tranh sôi nổi trong tỉnh, các hoạt động ở Vạn Phước đã hướng vào mục tiêu trước mắt là tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình. Năm 1944, Chi bộ Đảng Cộng sản ở làng Vạn Phước được thành lập do đồng chí Huỳnh Quyên làm Bí thư. Đây là Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Ninh Phước, là kết quả quá trình vận động, xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng. Ngày 22-8-1945, dưới sự lãnh đạo của các đồng chí Trần Thi, Mai Mạnh, Nguyễn Ngọc Lân, Nguyễn Đối… nhân dân Vạn Phước nói riêng, huyện Ninh Phước nói chung đã đứng lên giành chính quyền. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954), kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Vạn Phước tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, tập hợp lực lượng đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược và tay sai, bảo vệ cơ sở cách mạng, che giấu cán bộ, đóng góp sức người, sức của, góp phần làm nên chiến thắng vang dội giải phóng quê hương Ninh Thuận (16-4-1975), giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975).

Cán bộ, nhân dân thôn Vạn Phước vận động trên 50 triệu đồng xây dựng cổng làng.

Vạn Phước hôm nay

Nhà tưởng niệm đồng chí Trần Thi những ngày tháng Tư lịch sử nhộn nhịp, ấm cúng hơn bởi nhiều đoàn thăm viếng, dâng hương, bày tỏ lòng thành kính đối với người anh hùng dân tộc. Kề bên Nhà tưởng niệm là đình làng Vạn Phước-Di tích lịch sử cấp quốc gia, hình thành từ những năm 1766 vẫn uy nghi, vững chãi. Ngôi đình là “trái tim” của làng quê, là nơi tổ chức các cuộc họp quan trọng, là trung tâm sinh hoạt văn hóa ở địa phương. Hằng năm, cứ đến dịp 10-3 Âm lịch, người dân Vạn Phước khắp nơi lại trở về dự hội làng để tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã có công khai hoang mở đất. Về Vạn Phước hôm nay, chúng tôi vui mừng trước sự “thay da đổi thịt” của vùng đất anh hùng năm xưa. Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Thinh, 80 tuổi, phấn khởi bày tỏ: So với trước, Vạn Phước hôm nay khởi sắc hơn nhiều. Đường nội đồng, nội thôn đã được bê tông hóa về tận ngõ nên việc đi lại rất thuận tiện. Điều tâm đắc của tôi là các thế hệ con cháu hôm nay rất say mê học tập, chăm chỉ làm ăn; Ban quản lý thôn làm việc nền nếp, hiệu quả, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân, qua đó tạo được sự đồng thuận, đoàn kết, huy động sức dân chung tay thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội nâng cao đời sống nhân dân.

Ông Trịnh Quang Thảo, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ban Quản lý thôn Vạn Phước, cho biết: Toàn thôn hiện có 776 hộ, với 2.865 nhân khẩu. Phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương Vạn Phước anh hùng, những năm qua, cấp ủy chi bộ vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, đảm bảo đời sống no ấm. Vụ đông- xuân năm 2018, toàn thôn canh tác 95 ha lúa (trong đó có 53 ha canh tác theo mô hình cánh đồng lớn), 19 ha nho, 25 ha táo, rau màu các loại khoảng 20 ha. Ngoài trồng trọt, nhiều nông hộ còn tận dụng lá nho, lá táo chăn nuôi dê, cừu, bò vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế khá, chăm lo con em học hành thành tài. Đến nay, toàn thôn còn 37 hộ nghèo (giảm 22 hộ so với năm 2017) chủ yếu rơi vào các gia đình già yếu, neo đơn, hoạn nạn; thu nhập bình quân đạt 19 triệu đồng/người/năm; 100% dân số sử dụng điện và nước hợp vệ sinh; 98% người dân có nhà ở kiên cố…

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhân dân Vạn Phước đồng lòng, chung sức cùng Nhà nước bê-tông trên 90% đường nội thôn, nội đồng; chương trình “Thắp sáng đường quê” quyên góp, lắp đặt 75 bóng đèn chiếu sáng tại tất cả các trục đường trong thôn; cán bộ, nhân dân thôn Vạn Phước vận động xây dựng cổng làng trị giá 50 triệu đồng, 20 triệu đồng tu sửa, cơi nới trụ sở làm việc Ban quản lý thôn… qua đó, góp phần đưa xã điểm Phước Thuận đạt chuẩn nông thôn năm 2015. Duy trì mô hình “Thắp sáng đường quê”, hằng tháng mỗi hộ tự nguyện đóng góp 3.000 đồng chi trả tiền điện; việc thành lập, duy trì hoạt động “Tổ an ninh xung kích”, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cháy nổ, phòng chống lụt bão. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường… có nhiều khởi sắc. Toàn thôn vận động Quỹ Khuyến học đạt trên 45 triệu đồng, tạo nguồn kinh phí trao tặng học bổng, quà tặng, giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện đến trường, thi đua học hành tiến bộ.

Chia tay cán bộ, nhân dân Vạn Phước khi trời về chiều, đi trên con đường nội đồng uốn lượn giữa những giàn nho, táo trĩu cành, cánh đồng lúa chuẩn bị vào mùa thu hoạch, chúng tôi tin rằng, với truyền thống cách mạng, đức tính cần cù, chịu khó bám đất làm giàu, những người con Vạn Phước hôm nay sẽ tiếp tục viết tiếp trang sử hào hùng của ông cha trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nông thôn mới ấm no, hạnh phúc.