Chặng đường 43 năm phát triển của ngành Nông nghiệp

(NTO) Ngày đầu thống nhất đất nước, nông nghiệp tỉnh ta bộc lộ nhiều hạn chế, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế phát triển các loại cây trồng đặc thù ở vùng nắng nóng cực Nam Trung Bộ. Sau 43 năm, từ vận dụng sáng tạo các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương vào điều kiện cụ thể ở tỉnh ta, nông nghiệp tỉnh nhà vươn lên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bước phát triển vượt bậc dễ nhận thấy là nền nông nghiệp chuyển dịch từ “tự cung tự cấp” sang sản xuất hàng hóa, chú trọng ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị gia tăng đơn vị diện tích. Nông nghiệp vì thế vươn lên với tốc độ tăng trưởng bình quân 6 - 7%/ năm; giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất đạt trên 90 triệu đồng/năm, cao gấp 3 lần so với năm đầu tái lập tỉnh (1992). Gần đây, với việc tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 11-11-2016 của Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch tích cực, theo hướng bền vững, một số mô hình hợp tác, liên kết chế biến, tiêu thụ hàng nông sản được nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Nông dân huyện Ninh Sơn thu hoạch lúa. Ảnh: V.M

Nhìn lại chặng đường phát triển để thấy, từ chủ động ban hành những cơ chế, chính sách thu hút mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng thâm canh cây trồng đặc thù, quy mô tập trung, cho thu nhập cao. Các mô hình trồng măng tây xanh, vườn nho VietGAP ở huyện Ninh Phước, Ninh Hải… đã khai thác được tiềm năng, lợi thế, tạo cơ hội cho nông dân mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu trên chính đồng đất của mình. Đối với sản xuất lúa, chuyển biến rõ nhất là tỉnh đã chỉ đạo xây dựng thành công mô hình cánh đồng lớn áp dụng kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, tạo đột phá về đổi mới phương pháp tổ chức sản xuất theo hướng liên doanh, liên kết. Trên cùng diện tích, thông qua HTX liên kết với doanh nghiệp trồng lúa, nông dân tiết kiệm được công lao động, lợi nhuận tăng lên 30% so với phương thức canh tác nhỏ lẻ trước đây. Kết quả này đã khuyến khích nông dân “dồn điền” cùng canh tác theo một quy trình kỹ thuật, tạo nên phong trào thi đua nhân rộng mô hình cánh đồng lớn lan tỏa rộng khắp.

Nhờ có sự thống nhất về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, sự đồng thuận cao trong toàn xã hội thực hiện Nghị quyết 05 NQ/TU ngày 10-10-2016 của Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nhiều loại cây trồng có lợi thế được phát huy, hình thành những khu nông nghiệp kiểu mẫu sản xuất các mặt hàng nông sản đặc thù, như: nho, táo, măng tây xanh, tỏi… có thương hiệu mạnh trên thị trường, được người tiêu dùng trong cả nước biết đến. Thành công của mô hình trồng hoa lan trong nhà kính, trồng nho làm nguyên liệu rượu vang ứng dụng công nghệ cao ở huyện Ninh Sơn; mô hình trồng măng tây theo quy trình VietGAP ở huyện Ninh Phước đã chứng minh chủ trương xây dựng nền nông nghiệp hiện đại của tỉnh là đúng hướng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay. Chương trình nông nghiệp công nghệ cao đang tiếp tục được đẩy mạnh, khi hiện nay Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương lồng ghép mọi nguồn vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả. Cũng từ chú trọng ban hành chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đến nay trên địa bàn tỉnh hình thành các dự án nông nghiệp công nghệ cao về sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, tôm giống, làm “hạt nhân” dẫn dắt nông nghiệp tỉnh nhà phát triển theo hướng bền vững.

Nông dân thôn Thái An, xã Vĩnh Hải trồng nho NH01-152 đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thế Quang

Không riêng gì trồng trọt, chăn nuôi cũng từng bước phát triển với việc hình thành ngày càng nhiều trang trại, gia trại, gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ. Các mô hình chăn nuôi mới hình thành thể hiện tính linh hoạt, sáng tạo trong lao động sản xuất, phù hợp với điều kiện của từng gia đình ở nông thôn như mô hình nuôi dê, cừu dưới giàn nho, táo; mô hình nuôi gia súc khép kín ở HTX Dịch vụ chăn nuôi Tân Hà được đánh giá là thích ứng với điều kiện hạn hán, hiệu quả kinh tế cao. Hướng tới đạt mục tiêu của Đề án Cơ cấu lại ngành chăn nuôi là nâng cao chất lượng mặt hàng thực phẩm, những năm qua, ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh thực hiện chương trình cải tạo đàn vật nuôi, qua đó tỷ lệ bò lai sind tăng dần, năm 2017 đạt 45%; tỷ lệ dê, cừu lai đạt 82%. Tỷ trọng ngành chăn nuôi có xu thế tăng, chiếm khoảng 31% trong cơ cấu ngành Nông nghiệp. Để thực hiện phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng bền vững, tỉnh đã xây dựng Quy hoạch đồng cỏ gắn với chăn nuôi gia súc tập trung. Theo đó, lộ trình đến năm 2020 phát triển đồng cỏ quy mô 1.900 ha, tuân thủ mục đích đảm bảo mở rộng diện tích vừa chuyển giao giống cỏ mới có năng suất, chất lượng cao, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng ở từng khu vực. Ngành chăn nuôi đang trên đà phát triển khi có một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Thông Thuận, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH MTV Kachay Việt Nam chuẩn bị đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao.

Nhìn lại chặng đường 43 năm, không thể kể hết những thành tựu mà ngành Nông nghiệp đạt được. Dấu ấn đọng lại đó là, nông nghiệp có sự đổi mới toàn diện về tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao với các loại cây trồng đặc thù, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường.