Việc huy động các nguồn lực đầu tư ứng dụng CNC vào sản xuất đã tạo động lực mới, giúp nông dân nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa, tăng thu nhập, tích cực góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM).
Đến với huyện Ninh Phước vào dịp toàn tỉnh thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng quê hương Ninh Thuận và 26 năm tái lập tỉnh, chúng tôi ghi nhận bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, bà con nông dân phấn khởi tập trung ra đồng chăm sóc cây trồng vụ đông-xuân 2017- 2018. Đồng chí Nguyễn Đô, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Nghị quyết số 05- NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo về nhân rộng CNC vào sản xuất nông nghiệp lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, huy động các nguồn lực xã hội tập trung đầu tư đưa ngành nông nghiệp huyện nhà phát triển theo hướng tăng trưởng nhanh, bền vững. Ninh Phước xây dựng một số mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC vào sản xuất trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản. Trong đó có các mô hình ứng dụng CNC phát huy tốt hiệu quả như trồng măng tây xanh, với diện tích 40 ha ở xã An Hải; sản xuất bắp nhân giống với diện tích 308 ha ở các xã Phước Sơn, Phước Vinh; canh tác dưa lưới và măng tây xanh trong nhà kính tại thị trấn Phước Dân; sản xuất gạo sạch chế biến bún khô xuất khẩu, với diện tích 20 ha tại xã Phước Hữu; sản xuất tôm giống tập trung ở xã An Hải đạt sản lượng 12 tỷ post/năm và nuôi tôm thịt đạt sản lượng 2.181 tấn/năm; nuôi heo công nghiệp quy mô đàn 600- 2.000 con tại các xã Phước Vinh, An Hải; trang trại nuôi gà lấy trứng quy mô 120 ngàn con tại xã Phước Vinh; mở rộng mô hình canh tác tưới tiết kiệm nước lên gần 350 ha… Các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC sản xuất đã nâng cao chuỗi giá trị nông sản, tăng thu nhập cho nông dân và tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, địa phương, góp phần xây dựng huyện Ninh Phước đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016-2020.
Trồng dưa lưới công nghệ cao trong nhà lưới cho thu nhập cao.
Anh Hồ Tà, cán bộ phụ trách nông nghiệp thị trấn Phước Dân đưa chúng tôi đến thăm mô hình CNC trồng dưa lưới và măng tây xanh trong nhà kính 1.300 m2 tại khu phố 13 (làng Chăm Mỹ Nghiệp). Ông Phùng Diệp Xuân, chủ cơ sở sản xuất đầu tư trên 1 tỷ đồng lắp đặt nhà kính, thiết bị tự động bơm tưới nhỏ giọt cho cây trồng. Vụ đông-xuân 2017- 2018, ông Xuân trồng 2.000 gốc dưa lưới trong bầu giá thể trên mặt nền nhà kính diện tích 1.000 m2. Quy trình trồng dưa lưới được kiểm soát nghiêm ngặt từ chọn giống, gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Dưa lưới đang vào vụ thu hoạch có trọng lượng trung bình 1,5- 2kg/trái, sản lượng ước đạt trên 3 tấn. Vỏ dưa màu xanh vân lưới nổi rõ tạo vẻ bắt mắt cho sản phẩm; ruột dưa màu vàng cam, hương vị thơm ngon. Dưa lưới chất lượng cao được ông Xuân cung ứng cho hệ thống siêu thị TP. Hồ Chí Minh với giá bán trung bình 65 ngàn/kg. Còn lại 300 m2 được ông Xuân đổ cát tạo nền canh tác trồng măng tây phát triển tốt, chuẩn bị thu hoạch. Anh Hán Hùng Hoa, Trưởng Ban quản lý khu phố 13 cho biết: Cây trồng trong nhà kính của ông Xuân đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình sản xuất của ông Xuân và một số nông hộ địa phương tích lũy vốn liếng thực hiện canh tác nông nghiệp CNC.
Đến với xã An Hải, chúng tôi lấy làm bất ngờ khi đứng trước cánh đồng măng tây xanh rộng 40 ha canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP của nông dân thôn Tuấn Tú. Bà con ứng dụng công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước cả cánh đồng xanh biếc tạo nên bức tranh quê thanh bình, sung túc. Các nông hộ đưa giống măng tây xanh Atticus chất lượng cao do Công ty Bejo (Hà Lan) cung cấp. Đây là giống măng tây xanh cho năng suất, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Các nông hộ cũng đã chủ động lắp đặt thiết bị tưới tự động được điều khiển thông qua sóng điện thoại di động. HTX Dịch vụ Tổng hợp Tuấn Tú hợp đồng Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận thu mua sản phẩm măng tây xanh cho nông dân, với giá 50 ngàn đồng/kg. Cây măng tây xanh cho lợi nhuận trung bình trên 500 triệu đồng/ha/năm, nông dân làm giàu bền vững từ tiềm năng lợi thế kinh tế địa phương. Trong thời gian tới, UBND xã An Hải tiếp tục thực hiện cánh đồng lớn măng tây xanh với diện tích 20 ha áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất theo mô hình nông nghiệp CNC kết hợp du lịch sinh thái. Anh Hùng Ky, Giám đốc HTX Dịch vụ Tổng hợp Tuấn Tú phấn khởi: Tháng 8- 2016, xã An Hải vinh dự được đón tiếp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về thăm, động viên bà con trồng cây măng tây xanh, áp dụng CNC vào sản xuất. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang có chính sách đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi bảo đảm nguồn nước chủ động tưới giúp nông dân đầu tư mở rộng diện tích đưa địa phương trở thành vùng canh tác cây măng tây xanh chất lượng cao, cung cấp cho thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu. Đây là hướng phát triển mới giúp bà con vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng nông thôn mới phồn vinh”.
Nông dân xã Phước Sơn trồng bắp nhân giống cho năng suất cao
gấp 2 lần trồng bắp thương phẩm.
Đồng chí Nguyễn Đô cho biết thêm: Địa phương tập trung hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm ứng dụng CNC. Mục tiêu đến năm 2020 xây dựng vùng sản xuất lúa giống 900 ha, bắp giống 500 ha, rau sạch 720 ha, nho VietGAP 50 ha, táo VietGAP 50 ha; chăn nuôi gia súc ứng dụng CNC đạt 10% so với tổng đàn. Phấn đấu đến năm 2020, sản xuất CNC chiếm 30-35% giá trị ngành nông nghiệp; nâng giá trị sản phẩm CNC tăng thêm 20-25% so với sản xuất nông nghiệp bình thường. Trong thời gian tới, Ninh Phước tiếp tục huy động hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tham gia phát triển nông nghiệp theo hướng CNC với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa, khả năng cạnh tranh trên thị trường, nâng cao đời sống nông dân, xây dựng NTM. Tích cực góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 05- NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng CNC vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020.
Sơn Ngọc