Năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2246/QĐ-UBND nhằm xây dựng kế hoạch hỗ trợ đầu tư cho thôn Tập Lá, xã Phước Chiến phát triển thành làng nghề đan lát, ghép vào nhóm ngành nghề thủ công mỹ nghệ, giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2015. Tuy nhiên, sau khi kết thúc lộ trình, hoạt động của nghề đan lát có dấu hiệu “chững” lại. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân do nghề đan lát còn khó khăn về nhiều mặt: nguyên liệu, thị trường, giá cả…, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Trước đây, bà con làm nghề theo hướng tập trung, các hộ cùng tập trung tại nhà cộng đồng thôn hoặc nhà tổ trưởng để làm ra sản phẩm. Sau đó, chờ đến 5-7 ngày mới mang sản phẩm đi bán, có tiền chia đều cho các hộ. Ngày nay, các hộ làm nghề mong muốn có thu nhập mỗi ngày nên đã tự làm tại nhà, sản phẩm làm ra mang đi tiêu thụ ngay. Để làm ra một sản phẩm, bà con phải mất 2-3 ngày, với giá dao động từ 100.000-300.000 đồng, tùy vào món hàng, sau khi trừ chi phí bà con còn thu lời từ 50.000-150.000 đồng/sản phẩm tùy loại. Các sản phẩm như: gùi, nia, tó, nỏ… được khách hàng đánh giá cao vì sự tỉ mỉ, khéo léo. Tuy nhiên, phần lớn, những vật dụng trên được bán chủ yếu cho bà con Raglai trong tỉnh nên thị trường tiêu thụ sản phẩm còn “hẹp”. Một nguyên nhân khác, là hiện nay, nguyên liệu đang dần cạn kiệt, muốn có nguyên liệu bà con phải đi xa khoảng 10-20km vào trong rừng tìm cây tre, giang, mai… mỗi lần đi mất 1-2 ngày.
Ông Katơr Hiệu gắn bó lâu năm với nghề đan lát truyền thống của địa phương.
Gắn bó với nghề hơn 30 năm, thấy đồng bào dần bỏ nghề “tổ tiên” để lại, ông Katơr Hiệu cũng thấy buồn lòng. Dẫu vậy vợ chồng ông Hiệu vẫn miệt mài từng ngày vót tre, giang để giữ nghề. Khi có người đặt hàng, ông mới làm cho khách, mỗi tuần ông Hiệu làm từ 3-4 cái gùi, trừ chi phí, còn thu được từ 400.000-500.000 đồng/tuần. Ông chia sẻ: Bây giờ làm nghề đan lát khó khăn vì thiếu nguyên liệu, nên bà con chuyển qua làm nghề khác để có thu nhập. Mình gắn bó với nghề này lâu, không bỏ được, hai vợ chồng vừa làm nông, vừa làm nghề đan lát cốt là giữ nghề, giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc mình.
Theo anh Patâu Axá Ngoan, Phó Chủ tịch UBND xã, toàn xã hiện có hơn 100 hộ làm nghề đan lát, tập trung nhiều ở thôn Tập Lá. Để giữ nghề, xã cũng đã phối hợp với các đơn vị mở lớp tập huấn cho bà con về làm mới mẫu mã, thiết kế nhiều mặt hàng để thu hút khách hàng. Đối với nghề đan lát, chủ yếu là làm bằng thủ công, nhiều công đoạn nên tốn nhiều thời gian, phải mất 2-3 ngày mới hoàn thành một sản phẩm, trừ chi phí không còn lãi bao nhiêu nên nhiều người đã từ bỏ. Để giữ và phát triển nghề đan lát của đồng bào nơi đây, xã đã kiến nghị huyện quy hoạch xây dựng vùng trồng nguyên liệu (tre, giang, mai…) để phục vụ cho bà con đan lát. Bên cạnh đó, cần xây dựng nhà trưng bày để trưng bày các sản phẩm của bà con, thực hiện mô hình trình diễn quá trình các nghệ nhân làm ra sản phẩm, kết hợp với du lịch sinh thái tại địa phương, nhằm thu hút du khách đến tham quan và tìm hiểu nghề đan lát.
Anh Đạo Thiên Vũ, Phó Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện cho biết: “Huyện đã nắm rõ tình trạng hiện nay của nghề đan lát ở xã Phước Chiến, cũng đang xây dựng lộ trình hỗ trợ phát triển nghề đan lát giai đoạn năm 2018-2020. Tuy nhiên do chưa có kinh phí nên hoạt động vẫn đang dang dở. Huyện đang đề xuất ngành chuyên môn quan tâm, đầu tư phát triển nghề đan lát, vừa góp phần tăng thu nhập, vừa giữ nghề truyền thống của bà con".
Minh Khai