Nông dân Bác Ái chủ động dự trữ thức ăn cho đàn gia súc mùa khô hạn

(NTO) Trước tình hình khô hạn ngày càng gay gắt làm nhiều đồng cỏ tự nhiên bị thu hẹp cùng với đó là việc rút kinh nghiệm từ các đợt hạn trong những năm 2014-2015, năm nay, nông dân huyện Bác Ái đã chủ động dự trữ nguồn thức ăn cho đàn gia súc trong thời gian dài nhằm duy trì ổn định chăn nuôi trong mùa khô hạn.

Chúng tôi đến với huyện Bác Ái đúng vào dịp thu hoạch vụ lúa đông-xuân 2018, những ngày này, cùng với việc gặt lúa, nông dân cũng đang tích cực tận dụng tất cả rơm rạ để thu gom tích trữ làm thức ăn cho gia súc, do đó, chưa bao giờ, rơm lại “đắt” hàng như hiện nay. Một số hộ có nhu cầu mua số lượng lớn rơm rạ cho đàn gia súc còn phải đặt mua rơm tại các xã Lương Sơn, Lâm Sơn (Ninh Sơn) để kịp đáp ứng đủ thức ăn cho đàn gia súc vì tình trạng thiếu hụt mặt hàng rơm tại địa phương. Những ngày đầu hạn, dễ dàng nhận thấy dọc Quốc lộ 27B xuất hiện nhiều cơ sở, điểm bán rơm rạ để phục vụ nhu cầu dự trữ thức ăn cho gia súc của người dân. Chị Nguyễn Thị Ngà, xã Phước Đại, chủ điểm bán rơm tại địa phương cho biết: Chúng tôi bán sỉ và lẻ rơm cuộn và chở đến tận nhà cho bà con. Hiện nay, nhu cầu mua rơm tăng cao, có ngày chúng tôi bán hơn 1.000 cuộn rơm cho nông dân địa phương với giá giao động từ 45-52 ngàn/cuộn.

Anh Pinăng Luyến thôn Ma Oai, xã Phước Thắng mua rơm làm thức ăn
cho bò trong mùa khô hạn.

Bên cạnh đó, nhiều nông hộ còn chủ động trồng các loại cỏ giàu chất dinh dưỡng cho đàn gia súc như: cỏ voi, cỏ xả… dọc theo các khu vực có nước sản xuất đi qua để làm nguồn thức ăn tươi tạm thời cho đàn gia súc. Anh Pinăng Luyến, thôn Ma Oai, xã Phước Thắng cho biết: Hiện nay, gia đình có đàn bò hơn 12 con, nắm bắt tình hình hạn sẽ kéo dài, nên từ đầu tháng 3, bên cạnh việc chăn thả đàn ra các đồng cỏ tự nhiên, gia đình mình còn trồng thêm 1 sào cỏ voi để cho đàn bò ăn. Mình còn tính trước, mua hơn 120 cuộn rơm với giá trị 5,1 triệu đồng để cung cấp thức ăn cho đàn bò ăn trong 2 tháng, vì thế, mình cũng khá yên tâm trong mùa khô hạn này. Cũng tại xã Phước Thắng, ngoài việc nhiều hộ trữ rơm rạ, trồng cỏ, nông dân còn dự trữ cám gạo cũng như các phụ phẩm nông nghiệp dành cho đàn gia súc. Đồng chí Katơr Phương, Chủ tịch UBND xã Phước Thắng cho biết: Chủ yếu người dân địa phương sinh sống bằng nghề chăn nuôi gia súc và sản xuất nông nghiệp là chính. Do đó đàn gia súc có giá trị tài sản lớn của bà con, vì thế, để tránh thiệt hại làm ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân trong mùa khô hạn, ngay từ đầu năm, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các giải pháp để giảm tối đa khả năng gia súc suy duy dưỡng, trong đó có dự trữ đủ thức ăn và nước uống cho gia súc để duy trì ổn định đàn. Đến nay, cơ bản các nông hộ địa phương đã dự trữ đủ số lượng thức cho đàn gia súc trong 1 tháng.

Theo báo cáo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bác Ái, tính đến hiện nay, huyện Bác Ái có tổng đàn gia súc 57.913 con; trong đó, trâu, bò 20.771 con; dê, cừu 11.227 con, số còn lại là heo. Với sự chủ động của người dân trong dự trữ nguồn thức ăn cho gia súc trong mùa khô hạn này, đây được xem là tín hiệu đáng mừng khi nông dân huyện Bác Ái dần từng bước thay đổi tư duy trong lao động, sản xuất nhằm nỗ lực “sống chung với hạn” để phát triển chăn nuôi bền vững.