Ninh Sơn đẩy mạnh triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

(NTO) Huyện Ninh Sơn xây dựng kế hoạch tập trung triển khai thực hiện các mô hình có hiệu quả nhằm đẩy nhanh chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản, hướng tới đạt mục tiêu cơ cấu lại ngành Nông nghiệp.

Là huyện miền núi, Ninh Sơn có tiềm năng phát triển nông nghiệp, nhất là các loại cây trồng lợi thế, có giá trị kinh tế cao. Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10-10-2016 của Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, thời gian qua bên cạnh thực hiện chương trình hỗ trợ các hộ làm vườn cải tạo vườn cây ăn trái theo hướng chuyên canh những cây có giá trị kinh tế, xây dựng thương hiệu sản phẩm trái cây sạch để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, huyện còn quan tâm đến công tác thu hút đầu tư vào nông nghiệp, qua đó đã có một số doanh nghiệp hợp tác với nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị. Tiêu biểu như thanh niên trẻ Phan Thanh Sang từ tỉnh Lâm Đồng đến xã Lâm Sơn khởi nghiệp bằng mô hình trồng hoa lan trong nhà lưới cho thu nhập 2 tỷ đồng/ha/năm. Với quyết tâm khai thác tối đa tiềm năng lợi thế để phát triển, Huyện ủy, UBND huyện đang chỉ đạo nhân rộng mô hình nhằm tạo cơ hội cho nhân dân trong khu vực mở rộng sản xuất vươn lên làm giàu.

Nông dân xã Hòa Sơn (Ninh Sơn) liên kết với doanh nghiệp sản xuất mía có hiệu quả.

Từ sự chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy, UBND huyện trong đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, đến nay Ninh Sơn được đánh giá là một trong những địa phương triển khai các mô hình sản xuất có hiệu quả. Tranh thủ sự hỗ trợ của doanh nghiệp, huyện vận động nông dân áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt sử dụng năng lượng mặt trời vào sản xuất mía tạo đột phá trong tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần vào thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với điều kiện khí hậu khô hạn. Không dừng lại đó, từ năm 2017 đến nay, huyện tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ một cách đồng bộ, có chiều sâu. Cụ thể, mô hình sản xuất lúa theo kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” từ vài chục ha ban đầu đến nay tăng lên hàng trăm ha đã tiết kiệm được nhiều chi phí, thu nhập của nông dân tăng thêm 10% so với phương thức canh tác truyền thống. Hướng tới nâng cao thương hiệu mặt hàng lúa gạo, huyện tiên phong thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở xã Lương Sơn làm chuyển biến nhận thức của nông dân trong việc áp dụng khoa học - kỹ thuật sản xuất hàng hóa chất lượng cao phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Đặc biệt, mô hình thí điểm sản phẩm nông nghiệp an toàn cung cấp cho chợ Tân Sơn với các sản phẩm rau, củ, quả… được đánh giá có sự đầu tư về khoa học - kỹ thuật để hình thành chuỗi sản phẩm sạch “từ ruộng đến bàn ăn từng gia đình”.

Vụ hè-thu 2018, huyện Ninh Sơn triển khai xây dựng cánh đồng lớn sản xuất mía ứng dụng công nghệ cao, quy mô hơn 180 ha ở thôn Triệu Phong, xã Quảng Sơn, từ đó nhân rộng ra thành vùng sản xuất cây nguyên liệu tập trung. Quá trình thực hiện, huyện coi trọng vai trò của doanh nghiệp trong chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đầu tư vốn cho nông dân sản xuất. Nhờ thực hiện tốt công tác thiết lập mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp, Công ty Cổ phần đường Biên Hòa - Phan Rang đã đầu tư vốn cho nông dân với mức 6.900.000 đồng/ha và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm, tạo động lực cho bà con tham gia chương trình xây dựng cánh đồng lớn. Cùng với đó, huyện tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh canh tác các loại cây trồng cạn, gắn với chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đời sống cho người dân; xây dựng vùng chuyên canh trồng bắp lai ở xã Mỹ Sơn, vùng trồng nho, táo tập trung quy mô hàng trăm ha ở xã Nhơn Sơn ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước.