Thầy giáo Trần Thanh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường hiện có trên 200 máy tính phục vụ cho học tập và công việc văn phòng; 100% số máy được kết nối mạng internet tốc độ cao. Tất cả các phòng học đều có máy chiếu, màn hình chiếu. Ngoài ra, mỗi tổ bộ môn còn trang bị thêm một máy tính xách tay. Dựa trên nền tảng khá tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ, tin học, thời gian qua, nhà trường đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trên cả hai phương diện quản lý và giảng dạy. Theo đó, vào đầu năm học mới, nhà trường ban hành kế hoạch nhiệm vụ CNTT trong năm và đưa tiêu chí này vào đánh giá thi đua của nhà trường cũng như cán bộ, giáo viên, nhân viên; đồng thời thành lập Ban CNTT, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.
Giờ học môn Tin học của học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn.
Ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý, nhà trường đã triển khai và sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý trường học, tài sản, tài chính, nhân sự, sắp xếp thời khóa biểu, chấm thi trắc nghiệm, quản lý HS… 100% cán bộ, giáo viên sử dụng hệ thống email của ngành để trao đổi công việc. Mỗi lớp học có một địa chỉ email riêng. Đặc biệt, những năm gần đây, nhà trường đẩy mạnh phổ biến và khai thác hiệu quả tiện ích trang thông tin điện tử riêng để cập nhật đầy đủ hoạt động của trường, lớp, các câu lạc bộ của trường cũng như thông tin của ngành Giáo dục; đồng thời, đăng tải kết quả học tập, rèn luyện của HS… Những giải pháp này đã góp phần hiện đại hóa thủ tục hành chính công, tăng cường hiệu quả quản lý thông qua môi trường mạng, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, tăng tính công khai, minh bạch trong các hoạt động quản lý, giáo dục của nhà trường.
Đối với hoạt động dạy và học, Ban giám hiệu Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn giáo viên, học sinh (HS) khai thác kho bài giảng e-Learning của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT)- nơi tập hợp các bài giảng có tính tương tác cao; khuyến khích giáo viên tham gia xây dựng bài giảng e-learning đóng góp vào các kho bài giảng của trường, sở và bộ; tăng cường sử dụng trang “Trường học kết nối” của Bộ GD&ĐT nhằm hỗ trợ HS tự học, tự ôn tập nâng cao kiến thức, giúp giáo viên có điều kiện học tập, trao đổi chuyên môn, tham khảo đổi mới nội dung và phương pháp dạy học. Nhiều giáo viên đã không ngừng nỗ lực tự nâng cao trình độ ứng dụng CNTT vào hoạt động giảng dạy; chủ động sử dụng các phần mềm trình chiếu kết hợp với các phần mềm mô phỏng, thí nghiệm vào trong từng tiết học. Những bài giảng giáo án điện tử với sự kết hợp sinh động giữa âm thanh, hình ảnh và các hiệu ứng đồ họa giúp cho HS cảm thấy lôi cuốn, hứng thú hơn, phát huy tối đa khả năng tương tác giữa thầy và trò. Không khí lớp học vì thế cũng trở nên sôi nổi, bớt nhàm chán. Đặc biệt, những năm qua, từ việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào dạy học, nhà trường đã kích thích được tinh thần đam mê sáng tạo khoa học công nghệ, yêu thích tin học của HS. Nhiều năm liền nhà trường tự hào là đơn vị có số lượng HS tham gia và đoạt giải cao trong các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, tin học trẻ các cấp.
Thầy giáo Trần Thanh Tuấn cho biết thêm: Trong thời gian tới nhà trường tiếp tục tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa, phối hợp có hiệu quả việc đầu tư với thuê dịch vụ CNTT; nâng cao năng lực ứng dụng CNTT đáp ứng chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11-3-2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông; tăng kỹ năng khai thác, sử dụng có hiệu quả các phần mềm quản lý trong nhà trường, các phần mềm dạy học, hỗ trợ soạn bài giảng tương tác… cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Qua đó, nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường; thực hiện tốt đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy- học, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016- 2020, đinh hướng đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ.
Ngọc Diệp