“Khởi nghiệp” từ 2 ha đất trồng mì, tuy nhiên do lệ thuộc vào nước trời nên năng suất, chất lượng cây trồng thường bấp bênh, ảnh hưởng lớn đến đời sống gia đình. Trước thực tế này, anh Ngô Đình Phát luôn trăn trở, tìm hướng đi mới phát triển kinh tế gia đình để thoát khỏi cảnh đói nghèo. Anh Phát bộc bạch: Để sản xuất ổn định cần phải có nguồn nước tưới cho cây trồng, nên tôi mạnh dạn “mua” nước từ Trạm bơm Tân Hiệp đưa về tích ở ao chứa dành tưới cho diện tích cây trồng của gia đình. Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế từ bờ tràn suối Thác Tiên, tôi đào thêm 1 ao chứa cách trại chăn nuôi 700m để tận dụng nguồn nước mỗi khi có mưa và đầu tư 16 triệu đồng để mua ống, máy bơm để bơm nước về ao chứa trong trại chăn nuôi, nhờ đó mới có thể chủ động nguồn nước cho sản xuất, chăn nuôi trong mùa hạn. Cùng với chủ động nguồn nước để mở rộng sản xuất, năm 2012, anh đầu tư mua máy cày để vừa làm đất và vận chuyển nông sản cho gia đình, vừa giúp bà con trong thôn chở mì đến nơi tập kết trong mùa thu hoạch mà không phải “chạy đôn, chạy đáo” tìm kiếm phương tiện chuyên chở như trước đây. Ngoài ra, anh còn đảm nhận khâu cày đất cho bà con trong thôn có nhu cầu. Làm ăn tích lũy được vốn liếng, anh mua thêm đất đai để mở rộng diện tích sản xuất và trồng thêm các cây trồng mới, đồng thời hướng đến việc phát triển chăn nuôi gia súc. Nghĩ là làm, năm 2014, anh vay Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn 100 triệu đồng, cộng thêm 30 triệu đồng được vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân và tiền tích lũy của gia đình, anh đã mua 10 con bò về nuôi vỗ béo. Với phương châm “lấy công làm lời”, cùng với việc chăm sóc đàn bò, anh còn đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm để tưới cho trên 1 ha cỏ phục vụ chăn nuôi. Hiệu quả từ mô hình tưới tiết kiệm là thấy rõ, vừa giảm được lượng nước tưới vốn khan hiếm tại địa phương, vừa giảm công lao động nên đến năm 2016, anh tiếp tục ứng dụng mô hình trên tưới cho 3 ha mía của gia đình với tổng chi phí đầu tư trên 20 triệu đồng…
Anh Ngô Đình Phát chăm sóc đàn bò của gia đình.
Từ việc giải được bài toán về nguồn nước cộng với đức tính chịu khó nên “con đường” làm ăn của gia đình anh Ngô Đình Phát ngày càng rộng mở. Hiện nay, gia sản của anh gồm 2 chiếc máy cày, 6 ha mì, 3 ha mía, 2 ha trồng keo và đàn bò trên 15 con... mỗi năm mang lại thu nhập “ròng” không dưới 200 triệu đồng, đồng thời tạo việc làm cho 10 lao động địa phương. Chia sẻ về những kinh nghiệm làm ăn, anh Ngô Đình Phát cho biết: Tôi thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt do Hội Nông dân xã tổ chức để trao đổi thông tin, kiến thức, kinh nghiệm trong chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp, qua đó học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để cùng phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống. Một trong những bí quyết của anh đó là tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp, cụ thể mô hình nuôi bò vỗ béo, ủ chua thức ăn từ thân, lá, củ mì tươi và cây bắp để chủ động được nguồn thức ăn trong mùa nắng hạn, sau đó áp dụng vào thực tế, hằng năm cũng đem lại cho gia đình anh nguồn thu đáng kể.
Ông Đỗ Hữu Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Sơn chia sẻ: Bằng sức lao động và tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, nông dân Ngô Đình Phát xứng đáng là gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở xã Hòa Sơn và câu chuyện vượt khó của anh là động lực để các hộ nông dân không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống mới từ đôi bàn tay và ý chí vươn lên làm giàu của mình.
Mai Dũng