Ông Huỳnh Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Phước, cho biết: Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện đã tập trung triển khai nhiều giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững như kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất và đảm bảo đầu ra của sản phẩm. Với những hoạt động thiết thực trên, đến nay trên địa bàn huyện đã có 8 mô hình liên kết “4 nhà”, qua đó đã tạo cơ hội lớn cho nông dân mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước tạo ra mối quan hệ gắn bó ổn định giữa doanh nghiệp và nông dân.
Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú liên kết với Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận
trồng măng tây xanh mang lại hiệu quả cao.
Đơn cử như mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất bắp nhân giống giữa các đơn vị: Công ty TNHH Sản xuất hạt giống CP Việt Nam, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố với các hợp tác xã và nông dân đã đem lại kết quả khả quan. Bằng hình thức doanh nghiệp cung cấp giống, phân bón, bao tiêu sản phẩm cho nông dân canh tác đã nâng cao hiệu quả kinh tế lên 30-40%. Tương tự, Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận đã ký kết với Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú và 30 thành viên hợp tác sản xuất măng tây xanh, được công ty hỗ trợ 30% kinh phí mua giống. Đồng thời, trong quá trình sản xuất còn cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật từ khâu làm đất đến cách chăm sóc, bao tiêu toàn bộ sản phẩm của các hộ thành viên. Ông Hùng Ky, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú nhìn nhận: Việc thực hiện mô hình liên kết “4 nhà”, các hộ thành viên được nhiều cái lợi trong quá trình sản xuất, bởi được doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí mua giống, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất đến bao tiêu sản phẩm, nên không còn tình trạng được mùa mất giá hay bị tư thương ép giá.
Việc đẩy mạnh liên kết “4 nhà” không chỉ thúc đẩy nông nghiệp của huyện phát triển bền vững mà còn giúp nông dân thay đổi được tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, phân tán để liên kết lại với nhau trong sản xuất, tạo ra chuỗi sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu thị trường. Nhờ đó, đến nay địa phương đã hình thành được các vùng chuyên canh trồng lúa với quy mô lớn tại các xã, thị trấn; vùng trồng bắp ở xã Phước Vinh, Phước Sơn; vùng trồng rau an toàn, măng tây xanh ở xã An Hải và Phước Hải...
Ông Huỳnh Tuấn Anh cho biết thêm: Thời gian tới, huyện Ninh Phước tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích việc thực hiện liên kết “4 nhà”; đồng thời tiến hành quy hoạch vùng sản xuất theo hướng hàng hóa; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi cách thức canh tác manh mún, nhỏ lẻ chuyển sang sản xuất tập trung gắn với liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; phối hợp với các ngành chức năng và doanh nghiệp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật; tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay để mở rộng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của huyện ngày càng phát triển.
Tiến Mạnh