Tuy nhiên, việc ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất còn nhiều khó khăn, hạn chế nhất định. Chẳng hạn, việc chuyển giao, ứng dụng KHKT vào thực tiễn sản xuất thiếu đồng bộ, quản lý chưa đáp ứng yêu cầu, thậm chí không phát huy hiệu quả.
Với thực trạng sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta, nhằm ứng dụng tiến bộ KHKT, chuyển giao công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, điều cần thiết là xây dựng thành công các mô hình sản xuất ứng dụng đồng bộ các tiến bộ KHKT theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa. Trong thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh đã tập trung nguồn lực về mọi mặt với mục tiêu khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong phát triển cây nho, sản phẩm đặc thù của địa phương. Các đề tài, dự án đã được ứng dụng vào sản xuất, bước đầu mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người nông dân trồng nho của tỉnh.
Điển hình mô hình ứng dụng đồng bộ các tiến bộ KHKT vào sản xuất nho của gia đình bà Trương Thị Ngọc Loan, thôn Công Thành (xã Thành Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), với quy mô diện tích 0,3 ha. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất như: giống nho mới NH01-152, dùng gốc ghép, tưới nước tiết kiệm, bao chùm quả nho, sử dụng các chế phẩm sinh học… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và được người tiêu dùng ưa chuộng. Bà Loan cho biết: Đây là vụ thứ 3 vườn nho cho thu hoạch. Được cán bộ kỹ thuật của Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố hướng dẫn kỹ thuật trồng nho theo hướng VietGAP nên giảm chi phí đầu tư, đặc biệt là công lao động và thuốc bảo vệ thực vật. Chất lượng nho được cải thiện và giảm được rủi ro do yếu tố bất lợi của thời tiết, sâu bênh gây ra như bệnh thán thư, nứt quả... Ngoài ra, giống nho NH01-152 cho mẫu mã chùm quả đẹp, chất lượng cao nên giá bán khá cao và ổn định. Với năng suất trong vụ hè-thu năm nay đạt khoảng 18 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, gia đình bà thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Điều quan trọng hơn là cung cấp được một lượng lớn sản phẩm nho tươi an toàn, góp phần bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đồng thời là điểm trình diễn và quảng bá để nhân rộng mô hình ứng dụng đồng bộ các tiến bộ KHKT vào sản xuất.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nhìn chung các mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp nói chung và cây nho nói riêng thời gian qua cơ bản đảm bảo tính mới, có khả năng nhân rộng tại các địa phương. Nhiều mô hình đạt hiệu quả thiết thực, phù hợp với nguyện vọng của bà con nông dân, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Để nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, tăng cường tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của người dân về ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Bên cạnh đó, cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nông dân thay đổi tập quán canh tác, mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT mới vào sản xuất.
Phan Công Kiên