Ông Katơr Đắc.
Trước kia, gia đình ông Katơr Đắc vì thiếu đất sản xuất, không có vốn làm ăn, cuộc sống chỉ nhờ vào việc làm thuê, vất vả quanh năm. Không an phận với cuộc sống hiện tại, từ việc đi làm thuê, vợ chồng ông tích cóp mua được 1 con bò và 1 con trâu sinh sản làm vốn, sang nhượng thêm đất bỏ hoang của người dân địa phương để có điều kiện mở rộng sản xuất. Nhờ việc đi làm công cho các hộ gia đình trồng mỳ, ông dần tích lũy kinh nghiệm và thường xuyên tranh thủ thời gian tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi do địa phương tổ chức để áp dụng vào thực tiễn sản xuất của gia đình. Khác với suy nghĩ của nhiều nông dân địa phương, ông Đắc luôn trăn trở làm thế nào để tận dụng tối đa lợi thế về đất đai và nguồn nước không để đất bỏ hoang. Vì vậy những lúc nông nhàn, ông lại cặm cụi cải tạo đất để đầu tư trồng 5 sào mỳ, rồi mở rộng diện tích lên 1 ha. Sau nhiều năm làm ăn, nhờ sự nỗ lực vươn lên, cuộc sống gia đình ông bắt đầu thay đổi. Từ những kinh nghiệm, hiểu biết của mình, năm 2014, ông mạnh dạn mở rộng diện tích trồng mỳ lên 4 ha và đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất bằng việc mua máy cày dùng chở nông sản, làm đất, sạ hàng trị giá hơn 40 triệu đồng. Đầu tư cơ giới hóa dẫn đến thiếu vốn, khoảng thời gian này, gia đình lại mạnh dạn vay gần 30 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Có được nguồn vốn, ông tiếp tục đầu tư sản xuất, nhờ có kinh nghiệm nên diện tích mỳ nhà ông phát triển rất tốt, mỗi vụ trừ chi phí gia đình thu lãi trên 100 triệu đồng.
Kinh tế ổn định, năm 2016, gia đình ông xây được căn nhà trị giá gần 200 triệu đồng. Đến nay, ngoài thâm canh tác 4 ha mỳ, 5 sào lúa, ông còn chăn nuôi 6 con trâu, 5 con bò. Không dừng lại ở đó, để tìm loại cây trồng mới mang lại thu nhập cao cho gia đình, ông học hỏi kinh nghiệm trồng chuối sứ và thí điểm trồng trên diện tích 2 sào, mỗi tháng tiền bán chuối được gần 1 triệu đồng. Ông Đắc chia sẻ: Vì đất núi khô cằn nên việc trồng cây hay nuôi con gì phù hợp là điều rất quan trọng, vì vậy khi thấy các mô hình làm ăn hiệu quả tôi học hỏi để áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Trước đây, ở đây chưa biết đến cây mỳ, nhưng từ một số hộ trồng có hiệu quả nên tôi áp dụng trên diện tích của mình đem lại nguồn thu nhập khá hơn. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi cũng nói với bà con địa phương, phải nỗ lực lao động, mạnh dạn đầu tư làm kinh tế, không được trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước thì mới thoát nghèo bền vững được.
Ông Chamaléa Ong, Chủ tịch UBND xã Phước Đại nhận xét: Gia đình ông Katơr Đắc là gương tiêu biểu, từ hộ nghèo vượt khó vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình được bình chọn là nông dân sản xuất giỏi cấp xã, huyện. Bên cạnh sự quan tâm của địa phương thì sự nỗ lực, quyết tâm vượt khó của hộ nghèo trong việc đầu tư chọn mô hình làm ăn hiệu quả là vô cùng cần thiết. Hiện nay, xã đang nhân rộng gương điển hình về ông Katơr Đắc trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Kim Thùy