Từ đầu năm đến nay, tình hình thời tiết diễn biến thuận lợi, lượng nước tích trữ tại các hồ đập cơ bản đảm bảo việc điều tiết nước để triển khai sản xuất, huyện Thuận Nam đã gieo trồng đạt trên 6.000 ha, năng suất bình quân đạt 60 tạ/ha, sản lượng lương thực có hạt đạt 20.943 tấn, vượt kế hoạch đề ra và tăng 149% so với cùng kỳ năm 2016.
Nhiều diện tích chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả, nay người dân Thuận Nam quay lại trồng lúa.
Nhằm hỗ trợ người dân ổn định sản xuất sau hạn hán, địa phương đã phân bổ 142 tấn giống lúa, bắp hỗ trợ người dân tái sản xuất. Ngoài ra, cấp phát 2 tấn giống bắp và hỗ trợ 6 tấn giống đậu xanh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa cho người dân ở các xã Phước Hà, Phước Ninh, Phước Nam và Nhị Hà. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang gặp nhiều khó khăn. Trước hết, về diện tích sản xuất chuyển đổi chỉ đạt 186 ha so với chỉ tiêu của tỉnh giao là 300 ha thực hiện trong năm 2017 (đạt 62%). Trong đó, vụ đông - xuân diện tích chuyển đổi cây trồng là 34,9 ha (chủ yếu là đậu xanh, cỏ, bắp và mía) trong tổng số 150 ha được giao (đạt 23,3%). Vụ hè - thu diện tích chuyển đổi cây trồng tuy đạt trên 150 ha, tương đương với mức chỉ tiêu tỉnh giao, nhưng vẫn chỉ đạt gần 80% kế hoạch của huyện đề ra. Điều đáng quan tâm là hầu hết diện tích chuyển đổi trong vụ này đã không mang lại hiệu quả và không cho thu hoạch.
Ông Trần Quốc Hoàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Nam cho biết: Trong vụ hè - thu, do ảnh hưởng của vùng áp thấp vào cuối tháng 5 cộng với nước từ thượng nguồn đổ về đã làm ngập úng nhiều diện tích chuyển đổi cây trồng của các hộ dân, gây thiệt hại 107,64 ha đậu xanh thuộc các xã Phước Hà, Nhị Hà và Phước Ninh. Về chủ quan, do tập quán canh tác của đa số hộ dân chưa quen với việc thâm canh các loại cây hoa màu trên đất lúa. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, vận động về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn chưa sâu rộng. Công tác điều hành sản xuất tại một số địa phương chưa nghiêm túc, sâu sát nên hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn nhiều hạn chế.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, huyện Thuận Nam đã chỉ đạo các địa phương tập trung điều tiết nước tưới phù hợp, tiết kiệm đối với cây lâu năm và tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp triển khai ứng phó kịp thời. Đồng thời, phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Tăng cường phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai kế hoạch sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng kịp thời. Chỉ đạo sản xuất, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các loại giống cây trồng, vật tư nông nghiệp; đề xuất chính sách hỗ trợ nông dân thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây trồng khác theo quy hoạch.
Anh Tuấn