Vụ TNGT xảy ra lúc 12 giờ 20 phút, ngày 4-9-2017, tại lý trình 1435+980 đường sắt Bắc-Nam thuộc thôn Lạc Sơn 3, xã Cà Ná đã làm 2 người đi môtô tử vong, xe môtô hư hỏng nặng. Tại vị trí xảy ra tai nạn, là điểm giao giữa đường ngang dân sinh với đường sắt có đặt hệ thống biển báo, nhưng không có đèn tín hiệu, không có rào chắn và chuông báo hiệu. Người điều khiển môtô đã thiếu chú ý quan sát khi qua đường sắt, nên bị tàu SE7 chạy hướng Hà Nội-TP. Hồ Chí Minh tông vào, gây tai nạn.
Lối đi dân sinh tự phát luôn tiềm ẩn nguy cơ TNGT đường sắt.
Trước đó, ngày 29-7-2017, tại lý trình 1436+200 đường sắt Bắc-Nam, thuộc phạm vi ga Cà Ná, cũng đã xảy ra một vụ TNGT đường sắt. Ông Phạm Ngọc Nhọc (52 tuổi) trú tại Tập thể ga Cà Ná, thuộc thôn Lạc Sơn 3, xã Cà Ná điều khiển môtô băng qua đường sắt tại đường ngang dân sinh đã bị tàu SNT6 chạy hướng Nam-Bắc tông vào tử vong tại chỗ. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, trong phạm vi ga Cà Ná đã xảy ra 2 vụ tai nạn thương tâm.
Theo phân tích của các ngành chức năng, hiện nay tại khu vực này còn tồn tại nhiều bất cập như: Tầm nhìn rất hạn chế, hệ thống cảnh báo không có, khoảng cách của biển báo quá gần so với đường sắt. Hệ thống chiếu sáng vào ban đêm bị hạn chế, chủ yếu do dân cư tự lắp đặt. Ngoài ra, còn tồn tại 2 đường ngang dân sinh (vào nghĩa trang và khu dân cư Lạc Sơn 3) và 1 lối đi dân sinh tự phát đều thuộc trong khu vực quản lý của ga Cà Ná. Mặt khác, tình trạng người dân đổ rác, chăn thả gia súc dọc tuyến đường sắt, tự ý mở lối đi dân sinh ngày càng nhiều làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông (ATGT) đường sắt. Nguy hiểm nhất là ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của người dân còn rất hạn chế, nên nguy cơ TNGT luôn rình rập.
Để đảm bảo ATGT đường sắt tại vị trí được coi là “điểm đen” về ATGT đường sắt này, Ban ATGT huyện Thuận Nam đã phối hợp với Công ty Quản lý đường sắt Thuận Hải tiến hành kiểm tra, rà soát các tuyến đường ngang, các hệ thống biển báo, vạch kẻ, đề xuất các giải pháp đảm bảo ATGT. Lực lượng chức năng cũng đã kiểm tra, phát hiện xử lý 10 trường hợp xây dựng nhà ở vi phạm hành lang ATGT đường sắt. Mặt khác, tổ chức 45 buổi tuyên truyền, mời 6.114 người dân và học sinh thường đi lại và sinh sống dọc tuyến đường sắt để tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về ATGT đường sắt, nhất là các quy định không được tự ý mở đường ngang bất hợp pháp, đảm bảo an toàn khi đi qua đường sắt…
Ông Phan Thành Sơn, Chủ tịch UBND xã Cà Ná cho biết: Qua các buổi tuyên truyền, người dân địa phương kiến nghị các giải pháp về cải tạo, nâng cấp các đường ngang, hoàn thiện hệ thống biển báo, phát quang mở rộng hành lang ATGT đường sắt, tạo thông thoáng tầm nhìn tại các vị trí giao cắt để người dân đi lại thuận tiện, an toàn hơn. Trước tình trạng mất ATGT đường sắt ở xã Cà Ná, UBND xã cũng đã thành lập đội dân phòng chuyên trách, cảnh giới và kiểm soát xử lý về ATGT đường sắt trên địa bàn.
Hiện nay, địa phương cũng đã đề nghị cơ quan chức năng cần hoàn thiện hệ thống cảnh báo bằng âm thanh, gác chắn, biển báo đúng vị trí, kích cỡ theo quy định, bổ sung vạch kẻ đường gờ giảm tốc; lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng đảm bảo an toàn cho phương tiện giao thông qua đường sắt. Về lâu dài cần lắp đặt hệ thống gác chắn tự động, xóa bỏ các lối đi dân sinh bất hợp pháp. Mới đây, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương liên quan xác định trách nhiệm cụ thể và đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, phân định rõ trách nhiệm của ngành, địa phương, đơn vị liên quan trong việc lắp đặt hệ thống cảnh báo tại khu vực, xóa bỏ lối đi dân sinh tự phát, trách nhiệm quản lý đường ngang trong khu vực ga và phương án tổ chức cảnh giới, cũng như kế hoạch thực hiện tiếp theo. Ngoài ra, giao UBND huyện Thuận Nam chỉ đạo các bộ phận chức năng, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo ATGT đường sắt.
Anh Tuấn