Ông Lê Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Tác động từ Dự án HTTN mang lại cho địa phương thời gian qua là rất lớn. Nhiều công trình hạ tầng sản xuất, công cộng được đầu tư hiệu quả, người dân rất phấn khởi. Chuỗi giá trị vì người nghèo sau khi được xác lập, dự án đã trực tiếp hỗ trợ về vật nuôi, con giống, phân bón, kỹ thuật… giúp các hộ nghèo có điều kiện để vươn lên.
Nông dân thôn Mỹ Hiệp nuôi cừu Heifer.
Đối với chuỗi chăn nuôi dê, cừu đến nay có thể khẳng định đây là một trong những hướng đi rất phù hợp tại xã Mỹ Sơn. Đặc biệt, với việc nuôi theo mô hình Heifer, hình thức nuôi mà các thành viên trong nhóm sở thích sẽ cùng chung trách nhiệm, hỗ trợ nhau, có sự giám sát của Ban Phát triển xã và DASU huyện. Mỗi thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo khi tham gia nhóm chăn nuôi dê, cừu sẽ nhận được từ 4-5 con giống để chăm sóc. Sau khi con mẹ sinh sản ra con, các thành viên sẽ chăm sóc đến khi có trọng lượng ngang với con mẹ ban đầu được bàn giao, lúc này các thành viên sẽ chuyển giao con giống trưởng thành cho các hộ kế tiếp, số con cái ban đầu sẽ là sản phẩm được hưởng của các hộ thành viên nuôi trước. Sản phẩm được hưởng chính là “nguồn vốn” để các hộ nghèo có thêm điều kiện tạo sinh kế sau này.
Qua công tác vận động, tuyên truyền, đầu năm 2014, xã Mỹ Sơn đã thành lập được 1 nhóm nuôi cừu ở thôn Mỹ Hiệp và 1 nhóm nuôi dê ở thôn Phú Thạnh với 13 hộ nghèo và cận nghèo tham gia. Tháng 9-2014, hai nhóm này được Ban Phát triển xã hỗ trợ 60 con giống, gồm 30 con cừu cái và 30 con dê cái. Sau hơn một năm đưa về chăm sóc, hiện nay tổng đàn dê, cừu của 2 nhóm này đã tăng lên gần 120 con.
Chị Lê Thị Hoa, Trưởng nhóm nuôi dê của thôn Phú Thạnh, cho biết: Nhóm nuôi dê của thôn có 7 thành viên, sau khi nhận được con giống, qua họp trao đổi thì có 5 hộ được nhận con giống nuôi trực tiếp từ Dự án HTTN, 2 hộ còn lại sẽ chờ nhận con giống sau khi các hộ nuôi trước bàn giao lại. Hiện nay, tổng số dê của nhóm đã tăng lên gần 70 con, đa số phát triển rất tốt. Theo kế hoạch, thì cuối năm nay 2 hộ thành viên còn lại của nhóm sẽ nhận được dê từ các hộ trước chuyển qua để chăm sóc và hưởng lợi. Riêng đối với gia đình chị, qua hai đợt nhận con giống (một đợt gia đình phải đối ứng 20%) với số lượng 11 con, đến nay tổng đàn đã trên 20 con, theo tính toán thì giá trị đàn dê của gia đình chị hiện cũng vài chục triệu. Theo chị Hoa, sắp tới sau khi chuyển giao dê trưởng thành cho các hộ nghèo tiếp theo tham gia vào nhóm, chị sẽ vay vốn để mở rộng đàn dê của mình, để có nguồn vốn bền vững.
Không riêng nhóm nuôi dê Phú Thạnh, nhóm nuôi cừu tại thôn Mỹ Hiệp cũng đang phát triển khá tốt và đang bước vào giai đoạn chuyển con giống cho các hộ nghèo tiếp theo hưởng lợi. Anh Châm Ngọc Hoàng Lan, Trưởng nhóm nuôi cừu thôn Mỹ Hiệp cho biết: "Hiện nay số cừu của nhóm khoảng trên 50 con. Hầu hết cừu của các thành viên đẻ ra đều là cừu cái nên việc chuyển giao, cũng như phát triển đàn lên số lượng lớn của nhóm sau này sẽ rất thuận lợi". Theo anh Lan, do Mỹ Hiệp là thôn có phần lớn bà con đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện sản xuất nông nghiệp lại không thuận lợi nên việc phát triển chăn nuôi cừu đang là hướng đi rất phù hợp để bà con có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Lê Văn Hà cho biết thêm, đầu tháng 11 vừa qua, Ban Phát triển xã đã tiếp tục cấp hỗ trợ 100 con cừu cái sinh sản cho 20 hộ nghèo, cận nghèo của 3 thôn Tân Mỹ, Phú Thuận và Phú Thạnh để bà con tham gia nuôi phát triển theo mô hình Heifer. Ngoài ra, nhằm tạo chuỗi giá trị bền vững trong chăn nuôi dê, cừu, Ban Phát triển xã cũng đã chủ động giới thiệu, liên kết các nhóm chăn nuôi với một số cơ sở cung cấp con giống, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo ổn định đầu vào và đầu ra cho sản phẩm của người dân khi tham gia vào dự án.
Nguyễn Sơn