Đặc biệt được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai thực hiện Quỹ Phát triển kinh tế phụ nữ (PN), An Hải đã trở thành xã điển hình về hoạt động của các nhóm tín dụng-tiết kiệm PN, trong đó nổi bật nhất là các nhóm tại hai thôn Long Bình 1 và Long Bình 2.
Phụ nữ thôn Long Bình 2 sử dụng nguồn vốn đầu tư vào trồng táo.
Đến các thôn trên, điểm đáng ghi nhận đầu tiên là sự phát triển của chuỗi giá trị nho, táo, bò, dê và cừu. Từ tháng 7-2013, Hội PN xã bắt đầu thành lập 2 nhóm tín dụng-tiết kiệm PN ở 2 thôn (mỗi nhóm 20 thành viên). Trong thời gian đầu, do IFAD (Quỹ Quốc tế phát triển nông nghiệp) quy định hộ nghèo tham gia nhóm phải chiếm tỷ lệ cao nên đã gây trở ngại cho các thôn trong việc vận động PN tham gia. Theo lãnh đạo Hội PN xã An Hải, do đa số PN nghèo đều đã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc các nguồn vốn chương trình, dự án giảm nghèo, nên họ rất ngại tham gia nhóm tín dụng-tiết kiệm PN. Bởi nếu vay vốn từ nhóm này, hằng tháng các thành viên phải bảo đảm trả đủ vốn và lãi, đồng thời đóng kèm thêm tiền tiết kiệm, cùng lúc nhiều khoản, sẽ không kham nổi. Nên dù các nhóm thành lập đã làm hồ sơ vay vốn nhưng phải đến tháng 7-2014, sau khi tháo gỡ các vướng mắc với IFAD về tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tham gia, việc giải ngân mới tiến hành.
Bà Nguyễn Thị Ngãi, Chi hội trưởng Chi hội PN thôn, đồng thời là nhóm trưởng nhóm tín dụng-tiết kiệm PN thôn Long Bình 2, cho biết: “Với mức vay bình quân 10 triệu đồng/người, hằng tháng mỗi hộ PN thành viên vay phải nộp trả 480 ngàn đồng (vừa gốc, vừa lãi, trong đó có 20 ngàn đồng tiền gửi tiết kiệm bắt buộc)”. Sau 2 năm, khi đã trả hết nợ vốn vay, mỗi hộ PN thành viên sẽ có được số tiền tiết kiệm 480 ngàn đồng, cộng với 20 ngàn đồng tiết kiệm đóng lúc thành lập nhóm, tổng cộng 500 ngàn đồng. Nhưng trong thời gian đang trả nợ vay (gốc và lãi), không được rút tiền tiết kiệm giữa chừng. Nhìn chung đến nay, các hộ vay tín dụng-tiết kiệm PN ở 2 thôn Long Bình đã thực hiện nghiêm túc việc hoàn vốn vay và sử dụng vốn đúng mục đích. Ở thôn Long Bình 2, PN vay vốn đầu tư nuôi dê, cừu vỗ béo hoặc chăm sóc nho, táo hiệu quả, trường hợp như bà Dương Thị Thanh Thúy, Ngô Thị Cho đầu tư nuôi bò cũng cho thấy rất khả quan. Tương tự, ở thôn Long Bình 1, theo chị Bùi Thị Vân Hòa, phụ trách các nhóm tín dụng-tiết kiệm PN, hầu hết các thành viên PN trong nhóm chủ yếu đầu tư chăn nuôi dê, cừu, trong đó có những chị như Nguyễn Thị Hiệu, Huỳnh Thị Anh đã nhờ nguồn vốn này bước đầu chăm sóc đàn dê, cừu phát triển tốt.
Theo chị Phạm Thị Minh Nga, Phó Chủ tịch Hội PN xã An Hải, vốn cho vay tín dụng-tiết kiệm PN tuy không lớn nhưng có tác động rất tích cực. Không chỉ giúp PN làm chủ hộ có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, tăng thu nhập cho gia đình và ổn định cuộc sống, mà mô hình tín dụng-tiết kiệm PN còn tạo thói quen cho các chị về ý thức tiết kiệm. Đơn cử ở thôn Long Bình 2, theo bà Nguyễn Thị Ngãi, trong 2 nhóm của thôn có 1 nhóm cũ thành lập từ tháng 7-2013, với tỷ lệ 8 hộ nghèo/20 hộ thành viên, hiện đã đi 2/3 chặng đường, suốt ngần ấy thời gian chưa có trường hợp hộ PN vay nào mà hoàn trả nợ gốc và lãi không đúng thời hạn như đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng. Một số ít PN chuyên làm thuê còn biết lo xa, tự “bỏ ống” để tới kỳ “khui” ra trả nợ.
Từ ngày 6-11, 2 nhóm tín dụng-tiết kiệm PN (mỗi nhóm có 6 hộ nghèo/20 hộ thành viên) thành lập sau ở các thôn Long Bình 1 và Long Bình 2 cũng đã khởi động cho vay được 1 tháng, cũng với mức 10 triệu đồng/người theo phương thức trả tương tự như nhóm trước. Như vậy hai thôn Long Bình 1 và Long Bình 2 hiện có 4 nhóm tín dụng-tiết kiệm PN đang hoạt động. Từ mô hình này, Hội PN xã An Hải đang tiếp tục được Quỹ Phát triển kinh tế PN tỉnh hỗ trợ nhân rộng, hướng tới mục tiêu giúp PN thoát nghèo một cách bền vững.
Bạch Thương