DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG TỈNH:

Tác động của Dự án Hỗ trợ Tam nông trên địa bàn xã Phước Thắng

(NTO) Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN), Ban Phát triển xã Phước Thắng đã tích cực triển khai các hợp phần, duy trì hiệu quả hoạt động của các chuỗi giá trị sản xuất, đặc biệt đầu tư kết cấu hạ tầng đúng hướng, tạo tiền đề, định hướng cho người dân dần thay đổi nhận thức trong sản xuất, góp phần vào phát triển KT-XH ở địa phương.

Xã Phước Thắng hiện có 4 thôn, gần 890 hộ dân, với trên 4.090 khẩu. Đây là xã tái định cư để xây dựng hệ thống công trình thủy lợi Sông Sắt trên địa bàn huyện Bác Ái. Xuất phát điểm kinh tế của người dân rất thấp, nên trong quá trình triển khai Dự án HTTN ở xã Phước Thắng gặp không ít khó khăn, nhất là khi thực hiện chuỗi giá trị vì người nghèo và phát triển các nhóm sở thích.

Tuyến đường vào khu sản xuất thôn Ma Oai được bê-tông nối dài để phục vụ chuỗi
giá trị lúa, bắp, bò.

Tuy nhiên, với những tác động bước đầu của dự án thông qua các nguồn hỗ trợ trực tiếp, như: Tập huấn kỹ thuật, đào tạo nâng cao năng lực trong chăn nuôi, sản xuất cho người dân, đã dần thu hút nhiều hộ trên địa bàn xã tham gia vào dự án. Đến nay, toàn xã đã có 11 nhóm sở thích với hơn 140 thành viên; trong đó, chủ yếu là các nhóm phát triển chuỗi giá trị về chăn nuôi như bò heifer, dê, cừu và gà. Theo đánh giá của Ban Phát triển xã, tuy vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng hầu hết các nhóm sở thích đang dần thích nghi với việc phát triển các chuỗi giá trị đã chọn theo lợi ích chung. Một số nhóm nuôi bò sinh sản đã bước đầu thu được con giống từ quá trình chăm sóc và đang dần phát triển thành đàn để luân chuyển.

Ông Katơr Phương, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Phát triển xã, cho biết: Một trong những tác động quan trọng nhất mang lại hiệu quả bước đầu cho địa phương đó chính là các tiểu hợp phần về đầu tư kết cấu hạ tầng chung. Theo đó, từ nguồn vốn hỗ trợ của Ban Điều phối Dự án HTTN, địa phương đã thi công và đưa vào sử dụng 2 công trình đường giao thông nông thôn và 1 công trình cống tràn liên hợp phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản hàng hóa của bà con. Trong đó, tuyến đường vào khu sản xuất thôn Ma Ty dài gần 800m, phục vụ chuỗi bắp, lúa, bò với kinh phí trên 950 triệu đồng (trong đó 90 hộ dân được hưởng lợi đóng góp đối ứng 36 triệu đồng); cống tràn liên hợp suối A Le dài 300m, phục vụ chuỗi bò, lúa, bắp với kinh phí trên 1 tỷ đồng (trong đó 50 hộ dân được hưởng lợi đóng góp trên 40 triệu đồng) và bê - tông tuyến đường từ suối A Le đi khu sản xuất Ma Oai phục vụ chuỗi bò và nông sản rất hiệu quả.

Bên cạnh đó, từ vốn đối ứng đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất cho các nhóm sở thích, xã Phước Thắng còn xây dựng thêm 4 sân phơi nông sản tại 4 điểm thôn trên địa bàn cho người dân và 40 chuồng bò cho các thành viên nhóm nuôi bò. Ngoài ra, từ nguồn vốn bổ sung của dự án trong năm 2015, hiện nay địa phương đang chuẩn bị thi công thêm 1 tuyến giao thông nối dài và 1 bờ tràn từ suối A Le qua khu sản xuất Ma Oai để tập trung phát triển các chuỗi nông sản bắp, lúa và bò.

Ông Katơr Phương cho biết thêm: Hầu hết các công trình đưa vào sử dụng đều nhận được sự đồng tình từ phía người dân, không chỉ giúp bà con tiết kiệm chi phí vận chuyển vào các mùa vụ sản xuất, các công trình còn góp phần giúp địa phương dần hoàn thành các tiêu chí về hệ thống giao thông, thủy lợi trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Không những thế, Dự án HTTN còn có tác động thúc đẩy phát triển KT-XH, nhất là công tác giảm nghèo. Qua rà soát, trong giai đoạn triển khai dự án, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm khoảng 20% (từ 59,6% năm 2011, xuống còn 39,2% đầu năm 2015).