DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG TỈNH:

Qua 4 năm thực hiện Dự án Hỗ trợ Tam nông ở Quảng Sơn

(NTO) Quảng Sơn là một trong 6 xã của huyện Ninh Sơn được hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN). Qua hơn 4 năm thực hiện, nhiều hợp phần và tiểu hợp phần của dự án đã được Ban Phát triển xã triển khai đúng tiến độ, kịp thời, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Theo Ban Phát triển xã, hiện nay địa phương có 1.900ha mía, gần 1.150ha mỳ trên tổng diện tích 3.390ha cây trồng toàn xã. Thời gian qua, diện tích hai loại cây này ngày càng được mở rộng, với nhiều loại giống mới cho năng suất cao. Tuy nhiên, hệ thống giao thông nông thôn, nội đồng và kênh mương thủy lợi chưa thật sự đáp ứng yêu cầu phát triển hiệu quả tối đa các loại cây trồng này. Kể từ khi có sự hỗ trợ của Dự án HTTN tại địa phương, những khó khăn trên đã phần nào được tháo gỡ bởi một số công trình được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng đúng mục đích, nhu cầu của người dân.

Nông dân xã Quảng Sơn được Dự án hỗ trợ kinh phí xây dựng
hầm Biogas trong chăn nuôi heo.

Theo đó, trong hai năm 2013–2014, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của dự án, xã đã đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng một số công trình như: Nâng cấp chợ Quảng Sơn; xây dựng đường bờ tràn khu vực Ngã năm Sông Dầu; nâng cấp kênh thủy lợi N83 thôn Triệu Phong 1, phục vụ tưới cho trên 150ha mía, mỳ; bê-tông tuyến đường nội thôn từ khu vực xóm 7 (thôn Hạnh Trí) vào khu sản xuất với chiều dài hơn 200m... Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban phát triển xã, cho biết: Trong số các công trình được hỗ trợ đầu tư, đáng chú ý nhất là bờ tràn Sông Dầu, đây là tuyến đường huyết mạch đi vào vùng nguyên liệu của hai cây chủ lực mỳ và mía với khoảng 800ha của địa phương nhưng đã xuống cấp, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất. Vì vậy, khi công trình được bê-tông và đưa vào sử dụng, người dân rất vui mừng. Riêng trong tháng 9 vừa qua, từ sự hỗ trợ của dự án, địa phương cũng vừa đưa vào sử dụng hệ thống kênh thủy lợi N61, với chiều dài gần 1.000m phục vụ cho gần 80ha mía trong vùng không chủ động nước của bà con.

Đối với tiểu hợp phần phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo, đến nay, địa phương đã thành lập được 15 nhóm sở thích: Mỳ, mía, heo, bò với tổng số 116 thành viên, trong đó có 75 hộ nghèo, 12 hộ dân tộc thiểu số và thành lập thêm 2 tổ vay vốn Quỹ Phát triển kinh tế phụ nữ. Nhìn chung, các nhóm thành viên sau khi được hỗ trợ về vốn, cây giống, vật nuôi đã phát huy kết quả bước đầu về những chuỗi giá trị. Ngoài ra, đối với nhóm nuôi heo, dự án cũng đã hỗ trợ thêm 60% kinh phí cho các hộ dân trong nhóm xây dựng 10 hầm Biogas để chăn nuôi theo hướng bảo vệ môi trường trong khu dân cư. Đây cũng là một trong những cách làm được Ban Phát triển xã đánh giá rất có hiệu quả, bởi không chỉ góp phần bảo vệ môi trường khu dân cư mà còn giúp nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện nếp sống văn hóa tại nơi cư trú.

Trong quá trình phát triển các chuỗi giá trị sản xuất về nông nghiệp, một trong những điểm quan trọng để đảm bảo nguồn sinh lợi về kinh tế cho người dân chính là mối liên kết với các doanh nghiệp nhằm đảm bảo sản phẩm đầu ra cho nông sản. Theo đó, hiện nay ngoài hai đơn vị lâu nay đã liên kết với nông dân là Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang, Nhà máy Chế biến tinh bột mỳ Ninh Sơn, Ban Phát triển xã cũng đã bước đầu liên kết với một số cơ sở thu mua mỳ đóng trên địa bàn xã để đảm bảo thu mua nguồn nguyên liệu cho người dân, tránh bị thương lái ép giá khi vào mùa thu hoạch rộ.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, từ khi Dự án HTTN được triển khai đến nay, đã góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, đời sống và thu nhập của người dân ngày một cải thiện. Qua đánh giá, đến cuối năm 2014, toàn xã có 294 hộ đã thoát nghèo, tương đương mức giảm 11,87%, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương hiện nay xuống còn khoảng 17%.

Thuận Nam: Bàn giao 50 con cừu sinh sản cho nhóm cùng sở thích

Ban Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh vừa phối hợp với UBND huyện Thuận Nam tổ chức bàn giao 50 con cừu nái sinh sản cho 7 hộ gia đình là đối tượng nghèo, người dân tộc thiểu số có cùng sở thích chăn nuôi cừu theo mô hình Heifer tại xã Phước Hà. Mỗi hộ được hỗ trợ 7 con cừu nái sinh sản và 1 hộ được nhận 8 con, với tổng kinh phí trên 135 triệu đồng.

Lê Vân