Theo Ban Phát triển xã Phước Thái, trong 28 nhóm đồng sở thích đã thành lập, tính đến nay có 4 nhóm hưởng lợi từ dự án là 2 nhóm chăn nuôi bò tại thôn Tà Dương thành lập năm 2013 (mỗi nhóm có 30 thành viên là hộ nghèo và cận nghèo người dân tộc Raglai, trong đó thành viên nữ chiếm khoảng 60%), 1 nhóm chăn nuôi dê (10 thành viên) tại thôn Thái Hòa và 1 nhóm chăn nuôi cừu (18 thành viên) tại thôn Thái Giao thành lập năm 2014. Cụ thể, 2 nhóm chăn nuôi bò sinh sản thôn Tà Dương đã được Quỹ CDF (Quỹ phát triển cộng đồng) cấp hỗ trợ 3.000 kg cỏ giống (cỏ voi VA 06) và 10 bê cái nuôi theo mô hình Heifer; nhóm chăn nuôi dê thôn Thái Hòa được Quỹ CDF cấp hỗ trợ 9 con dê, Quỹ CSG (Quỹ tài trợ dự án nhỏ cạnh tranh) cấp hỗ trợ 41 con dê để nuôi sinh sản và nhóm chăn nuôi cừu thôn Thái Giao được Quỹ CDF cấp hỗ trợ 6 con cừu, Quỹ CSG cấp hỗ trợ 33 con cừu để nuôi sinh sản. Ngoài ra, Quỹ CDF và Quỹ CSG còn hỗ trợ các nhóm đồng sở thích xây dựng 45 chuồng bò, 17 chuồng dê và 19 chuồng cừu.
Nhóm cùng sở thích chăn nuôi dê tại thôn Thái Hòa.
Anh Hán Hoàng Đạo, cán bộ chuyên trách dự án Hỗ trợ tam nông-Ban phát triển xã cho biết: “Vì địa bàn có đồng cỏ tự nhiên dồi dào, người dân có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi gia súc nên Phước Thái lựa chọn chăn nuôi bò, dê, cừu làm chuỗi giá trị chính. Thực tế khảo sát cũng cho thấy phần lớn các hộ nghèo và cận nghèo ở thôn Tà Dương đều có nuôi bò, các thôn Thái Hòa và Thái Giao thì có nuôi dê, nuôi cừu, rất thích hợp thực hiện dự án”. Trong chuỗi giá trị này, có thể thấy thuận lợi trước hết là giá cả bò, dê, cừu thịt và sinh sản đều khá ổn định so với các vật nuôi khác, Ban phát triển xã kỳ vọng qua nhóm đồng sở thích, người dân sẽ biết liên kết trong sản xuất để tạo dựng giá trị kinh tế bền vững và lâu dài. Để nâng cao năng lực tổ nhóm, cũng như trình độ kỹ thuật của nông dân nói chung trong sản xuất chăn nuôi, Ban phát triển xã đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi tại các thôn, trong đó tập trung ở chuỗi giá trị dê, cừu. Đặc biệt là đã mở 2 lớp xóa mù chữ cho 40 học viên là phụ nữ dân tộc Chăm, Raglai diện hộ nghèo, hộ cận nghèo của 2 thôn Hoài Ni và Tà Dương. Riêng năm 2015 đã tập huấn về lập kế hoạch sản xuất kinh doanh và công tác quản lý tổ nhóm, hỗ trợ xây dựng các đề xuất tham gia Quỹ CSG cho các hộ nòng cốt của các nhóm cùng sở thích.
Thực hiện hợp phần 3 về đầu tư cơ sở hạ tầng chung, thông qua nguồn vốn Quỹ CDF, Phước Thái đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 5 công trình, trong đó có 3 công trình đường với tổng chiều dài 1.120 m, hai công trình cầu được cứng hóa, phục vụ chuỗi giá trị lúa, bò, dê, cừu. Cụ thể, năm 2013 đã nâng cấp, sửa chữa tuyến đường từ cầu Chá đến Mã Vôi (thôn Thái Giao) với tổng chiều dài 266,09 m; đường từ nơi sản xuất đến trung tâm thôn Thái Giao – Thái Hòa với chiều dài 350 m; đường từ Đá Trắng lên vùng Tà Ranh (thôn Như Ngọc) với chiều dài 505,7 m. Năm 2014 đã tiến hành thi công 2 cầu (dài 4m/cầu) phục vụ sản xuất vùng nội đồng Như Bình-Như Ngọc và 3 công trình sân phơi (tổng diện tích 4.703 m2) ở thôn Thái Giao và Như Ngọc, đã tác động đến việc phát triển chuỗi giá trị địa phương, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã từ 15,71% vào năm 2011 xuống còn 8,9% trong năm 2014 và hộ cận nghèo từ 9,02% giảm còn 2,57%.
Trên cơ sở kết quả đạt được của dự án 4 năm qua, trong phương hướng nhiệm vụ thời gian đến, Phước Thái đề ra mục tiêu củng cố các tổ nhóm (về mặt tổ chức, năng lực, quy chế, kế hoạch sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính) và kết nối với các doanh nghiệp (kể cả “đầu vào” và tiêu thụ sản phẩm), đồng thời khai thác các nguồn lực để hỗ trợ cho các nhóm cùng sở thích và doanh nghiệp liên kết sản xuất, kinh doanh theo các chuỗi giá trị ưu tiên.
Vân Tuyền