Nông dân Phước Kháng chủ yếu trồng trọt trên đất núi và triền dốc với diện tích sản xuất hàng năm khoảng 215ha (chủ yếu trồng các loại cây “ăn nước trời” như bắp, mì, chuối, đậu xanh) và gần 30 ha đất bằng trồng lúa 1 vụ/năm. Mặc dù canh tác trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng sản xuất nông nghiệp ở địa phương những năm gần đây cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Đáng kể là mô hình canh tác trên đất triền dốc; mô hình “1 vụ lúa, 1 vụ bắp lai” hay “bắp lai đông-xuân, đậu xanh hè-thu” đã góp phần tạo thêm thu nhập cho nông dân.
Tham gia Dự án HTTN, nhiều hộ nghèo ở xã Phước Kháng được hỗ trợ con giống
để phát triển chăn nuôi dê, cải thiện kinh tế.
Bên cạnh đó, dựa vào lợi thế khu vực miền núi, xã cũng chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc có sừng theo hướng cải tạo, nâng cao chất lượng đàn và xác định đây là giải pháp mang tính căn cơ giúp người dân giảm nghèo nhanh và bền vững. Hiện nay, tổng đàn gia súc của xã là 5.059 con; trong đó có 2.178 con trâu, bò và 2.881 con dê, cừu. Qua khảo sát, phân tích, đánh giá tình hình kinh tế, xã xác định được chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương là bắp, lúa, bò, dê và heo đen; đặc biệt chuỗi giá trị về chăn nuôi được xem là thế mạnh cần tập trung khai thác. Từ đó, Ban Phát triển xã đã thành lập 15 nhóm cùng sở thích (NST), gồm: 4 nhóm bò, 8 nhóm dê, 1 nhóm heo đen, 1 nhóm bắp và 1 nhóm lúa; mỗi nhóm từ 4-10 thành viên, ưu tiên cho hộ nghèo và cận nghèo tham gia để tiếp cận với kỹ thuật, vốn hỗ trợ đầu tư cho phát triển kinh tế.
Trong quá trình thành lập các NST, được sự hỗ trợ tích cực từ DASU huyện, Ban Phát triển xã đã hướng dẫn các NST xây dựng quy chế quản lý, lập kế hoạch, định hướng sản xuất, kinh doanh,… và từng bước phát huy được hiệu quả . Anh Chamaléa Đấp, Trưởng NST chăn nuôi dê thôn Cầu Đá cho hay: Thông qua Dự án HTTN, mỗi hộ trong NST nuôi dê sinh sản của chúng tôi được hỗ trợ 5 con dê nái. Hơn 1 năm chăm sóc đến nay, các thành viên trong nhóm đã tạo được đàn dê kha khá cho gia đình, giá trị kinh tế tính ra cũng từ 20-25 triệu đồng.
Về đầu tư kết cấu hạ tầng chung từ nguồn vốn của quỹ Phát triển cộng đồng (CDF) cho các xã vùng dự án, Ban Phát triển xã cũng đã tiến hành thi công và đưa vào sử dụng nhiều công trình phục vụ sản xuất và dân sinh như: bê-tông 360m đường giao thông thôn Đá Mài Dưới và 200m đường nội đồng thôn Suối Le; xây dựng sân phơi nông sản thôn Cầu Đá và thôn Đá Mài Trên; nâng cấp, kéo dài 600m tuyến kênh mương đất khai hoang thôn Đá Mài Trên; nâng cấp, sửa chữa 380m kênh mương và 883m đường nội đồng khu vực cánh đồng Dầu, với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Nhờ đó, tạo thuận lợi cho nhân dân trong vùng đi lại, sản xuất và góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.
Đồng chí Chamaléa Hiêu, Chủ tịch UBND xã cho biết: Những đầu tư về hạ tầng cũng như hỗ trợ về con người và hỗ trợ sản xuất của Dự án HTTN đã từng bước làm thay đổi nhận thức của bà con Raglai trong áp dụng khoa học-kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp để tăng thu nhập, hướng tới giảm nghèo bền vững. Qua 4 năm triển khai, tác động của dự án đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 33,28% xuống còn 29,37%. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2015, ngoài tiếp tục triển khai các tiểu hợp phần trong giai đoạn cuối, Ban Phát triển xã chú trọng liên kết, hỗ trợ các NST ổn định sản xuất, chăn nuôi, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Diễm My