Xã Phước Chính hiện có 3 thôn, với 432 hộ dân/1.600 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 93%. Hàng năm, tổng diện tích gieo trồng toàn xã đạt khoảng 570 ha, trong đó diện tích lúa nước khoảng 130 ha, gieo trồng 2-3 vụ/năm; cây bắp 150 ha, gieo 2 vụ/năm và gần 290 ha mía, mì...
Hệ thống kênh dẫn nước Cây Cao (thôn Suối Khô)
được nâng cấp phục vụ sản xuất của nông dân địa phương.
Tổng đàn gia súc toàn xã hiện có gần 2.000 con. Từ thực tế về nông nghiệp của địa phương, Ban Phát triển xã đã lựa chọn chuỗi giá trị vì người nghèo để phát triển là lúa, bắp, bò và heo đen. Trên cơ sở đó, đến nay toàn xã đã thành lập được 8 nhóm đồng sở thích chăn nuôi, trồng trọt, với sự tham gia của 108 hộ; trong đó có 59 hộ nghèo, phụ nữ tham gia vào các nhóm gồm 90 thành viên. Sau khi thành lập, được sự hỗ trợ tích cực từ DASU huyện, xã đã xây dựng quy chế quản lý, lập kế hoạch, định hướng sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tập huấn nâng cao năng lực…nên hoạt động của các nhóm sở thích ngày càng đi vào chiều sâu và từng bước phát huy được hiệu quả trong phát triển lợi ích nhóm. Ngoài ra, để tạo sinh kế cho các hộ nghèo tham gia, từ năm 2014 đến nay, Dự án HTTN đã tập trung hỗ trợ giống cây trồng và vật nuôi cho các nhóm sở thích. Theo đó, đã hỗ trợ 450 kg giống bắp lai, 900 con gà, 3 con bò đực giống, 22 con bò cái sinh sản cho 84 hộ tham gia. Qua kết quả khảo sát thường niên năm 2015, đánh giá về sự cải thiện thu nhập của Ban Phát triển xã thì có 45% số hộ thành viên tham gia các nhóm sở thích được hỗ trợ từ dự án HTTN có thu nhập tăng so với trước.
Đồng chí Cao Thị Thanh Huyền, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Phát triển xã cho biết: Ngoài hỗ trợ phát triển các chuỗi giá trị vì người nghèo thông qua các nhóm sở thích, thì hoạt động hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng từ Qũy phát triển cộng đồng (CDF) thuộc tiểu hợp phần 3 cũng đã góp phần rất lớn trong việc hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Theo đó, từ khi dự án hoạt động đến nay, địa phương đã được hỗ trợ đầu tư 5 công trình, gồm: 1 công trình giao thông, 2 công trình thủy lợi và 2 công trình hỗ trợ sản xuất là xây dựng sân phơi và chuồng trại. Trong đó, 2 công trình gồm: sữa chữa nâng cấp đập kênh dẫn nước Cây Cao trên tại thôn Suối Khô và xây dựng 1,6 km đường giao thông đi khu sản xuất cánh đồng thôn Suối Khô được người dân rất đồng tình vì đã góp phần tạo thuận lợi cho người dân mở rộng sản xuất, chủ động được một phần diện tích nước tưới. Riêng công trình hỗ trợ xây dựng sân phơi, với cách làm xây dựng “hệ thống sân phơi” gồm 40 sân (mỗi sân diện tích 50m²) cho 40 hộ thuộc thành viên các nhóm trồng trọt cũng tạo được sự đồng thuận rất cao từ phía người dân. Với cách làm này, không chỉ các hộ thành viên được trực tiếp hưởng lợi mà khi vào mùa vụ, các hộ lân cận cũng có thể được phơi nhờ nông sản, giảm được tình trạng vào mùa vụ nông sản phơi dọc các tuyến đường thôn, xóm gây cản trở giao thông.
Theo đồng chí Cao Thị Thanh Huyền, từ hỗ trợ của Dự án HTTN đã từng bước làm thay đổi nhận thức của nông dân trong áp dụng khoa học-kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng thu nhập, hướng tới giảm nghèo bền vững. Qua 4 năm hưởng lợi từ dự án HTTN, tác động của dự án đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 60,7% (năm 2011) đến cuối năm 2014 còn 28,7%.
Từ nay đến cuối năm 2015, ngoài tiếp tục triển khai các tiểu hợp phần trong giai đoạn cuối, Ban Phát triển xã đang chú trọng đến việc liên hệ, tìm hướng kết nối thị trường với các doanh nghiệp để đảm bảo sản phẩm đầu ra cho nông sản, để người dân an tâm phát triển các chuỗi giá trị đã lựa chọn.
Nguyễn Sơn