Theo ông Lê Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã, khi chương trình HTTN được triển khai tại địa phương, qua định hướng các chuỗi giá trị từ Ban điều phối Dự án HTTN tỉnh về việc lựa chọn các chuỗi giá trị cây trồng, vật nuôi để hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo phát triển, Ban Phát triển Tam nông xã đã tổ chức họp các thôn để lấy ý kiến, nguyện vọng của các hộ dân tham gia dự án để lựa chọn chuỗi giá trị phù hợp với đặc thù của từng thôn. Qua tham khảo, thôn Mỹ Hiệp được chọn để phát triển chuỗi giá trị cừu và triển khai theo mô hình nuôi cừu sinh sản Heifer.
Anh Châm Ngọc Hoàng Lan chăm sóc đàn cừu.
Đầu năm 2014, nhóm chung sở thích nuôi cừu thôn Mỹ Hiệp được thành lập với 6 thành viên, trong đó có 2 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo. Cuối năm 2014, nhóm được DASU huyện bàn giao 30 con cừu cái (mỗi hộ nhận 5 con). Theo ông Lê Văn Hà, mô hình nuôi Heifer hiện nay khá phổ biến với hầu hết các xã trong vùng dự án không chỉ riêng Mỹ Sơn. Đây là hình thức nuôi mà các thành viên trong nhóm sở thích sẽ cùng chung trách nhiệm, hỗ trợ nhau, có sự giám sát của Ban Phát triển xã và DASU huyện. Sau khi cừu mẹ sinh sản ra cừu con, các thành viên sẽ chăm sóc cừu con đến khi có trọng lượng ngang với cừu cái ban đầu được bàn giao, lúc này các thành viên sẽ chuyển giao cừu cái trưởng thành cho các hộ kế tiếp, số cừu cái ban đầu sẽ là sản phẩm được hưởng của các hộ nuôi trước. Sản phẩm được hưởng chính là “nguồn vốn” để các hộ nghèo có thêm điều kiện tạo sinh kế sau này.
Được biết, mô hình nuôi Heifer ngoài mục đích tạo điều kiện cho các hộ nghèo trong vùng dự án phát triển chăn nuôi, mục đích chính là nhằm tạo ra cộng đồng tương hỗ, giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển kinh tế gia đình, tiến tới thoát nghèo bền vững. Đây hoàn toàn là mô hình chăn nuôi phù hợp với những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo còn cao như Mỹ Hiệp, trong khi sản xuất nông nghiệp còn rất hạn chế. Đến thăm chuồng cừu của anh Châm Ngọc Hoàng Lan, trưởng nhóm chung sở thích nuôi cừu của thôn Mỹ Hiệp, mặc dù đang là mùa nắng hạn nhưng đàn cừu của gia đình anh đang phát triển rất tốt. Anh Lan cho biết, sau khi nhận được cừu cái, các thành viên trong nhóm còn được hỗ trợ làm chuồng, thuốc thú ý, thức ăn, đặc biệt qua các lớp tập huấn từ DASU huyện, bà con được hướng dẫn kỹ cách cho ăn, chăm sóc nên cừu nuôi tăng trưởng nhanh, mặc dù đang mùa khô hạn, gặp nhiều khó khăn về thức ăn, nước uống nhưng đa số cừu của các thành viên trong nhóm đều đã sinh sản và phát triển rất đều. Hiện nay, tổng số đàn cừu của nhóm đã trên 50 con. Một điểm đáng mừng là số cừu con khi đẻ đa số đều là cừu cái nên việc bàn giao cho các hộ kế tiếp sau khi cừu trưởng thành sẽ thuận lợi hơn. Theo anh Lan, nếu đẻ ra cừu đực thì các hộ sẽ khó xử lý khi bàn giao, vì theo quy chế khi bàn giao lại cho hộ tiếp theo các hộ sẽ phải bán cừu đực để mua lại con cái. Lúc này sẽ bị hao hụt thêm kinh phí và thời gian luân chuyển để các hộ sau hưởng lợi sẽ kéo dài. Qua tìm hiểu của chúng tôi, rất nhiều hộ khi tham gia mô hình này vẫn còn đang rất băn khoăn về vấn đề này.
Mặc dù vẫn còn ít trăn trở, tuy nhiên có thể thấy một trong những điểm đáng mừng đây chính là mô hình nuôi Heifer ở các xã nói chung và nuôi cừu sinh sản Heifer ở thôn Mỹ Hiệp nói riêng đều đang đi đúng với định hướng ban đầu của Dự án HTTN đề ra là hướng tới chuỗi giá trị vì người nghèo, tạo sinh kế, thêm điều kiện cho người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nguyễn Anh