Thực hiện Dự án Hỗ trợ Tam nông, với sự hướng dẫn của Ban Hỗ trợ Kinh doanh nông nghiệp huyện (DASU) Thuận Bắc và Ban Phát triển xã Phước Chiến, thôn Đầu Suối A đã xác định chuỗi giá trị thế mạnh là trồng chuối và chăn nuôi bò, dê, cừu sinh sản.
Anh Chamaléa Huyền, nhóm trưởng Nhóm cùng sở thích trồng chuối thôn Đầu Suối A.
Nhờ địa hình đồi núi có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, từ lâu nông dân thôn Đầu Suối A đã đầu tư phát triển trồng chuối với diện tích gần 52ha. Trung bình mỗi hộ trồng từ 1-2 sào, cá biệt có hộ trồng trên 1ha, tiêu biểu là chị Kadá Thị Kích trồng 3ha, thu nhập hằng năm trên 100 triệu đồng từ chuối. Để phát triển chuỗi giá trị chuối, từ ngày 10-7-2014, nhóm cùng sở thích trồng chuối thôn Đầu Suối A chính thức thành lập gồm 17 hộ thành viên, trong đó có 5 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo, do anh Chamaléa Huyền làm nhóm trưởng. Sau khi đi vào hoạt động, từ nguồn vốn hỗ trợ của Tiểu hợp phần “Các dịch vụ kỹ thuật và khuyến nông nhằm phát triển các chuỗi giá trị” thuộc Hợp phần 2, tổ nhóm đã thực hiện trồng diện tích 5,2ha chuối. Tham gia trồng chuối, mỗi hộ thành viên được dự án hỗ trợ bình quân 280 cây giống (diện tích trồng 3 sào), 100kg phân lân, 50kg phân lạnh, 25kg phân ka-li và 100kg vôi làm đất. Ngoài ra, các hộ còn được DASU Thuận Bắc tổ chức 2 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng chuối.
Theo kinh nghiệm trồng chuối của người dân địa phương, thông thường chuối trồng khoảng 1 năm là bắt đầu cho trái. Tuy nhiên, do nắng hạn kéo dài, đến nay, chuối trồng của tổ nhóm đã có nhiều cây chết héo. Anh Chamaléa Huyền cho biết: Chuối giống được trồng từ tháng 9 năm ngoái trên các vùng đồi dốc, chủ yếu tưới nhờ nước trời, nhưng do không có mưa, các con suối quanh vùng cạn kiệt nên không cung cấp đủ nước tưới. Vừa qua, DASU huyện đã đến khảo sát và dự kiến sẽ bổ sung hỗ trợ tiếp giống để trồng khi có mưa. Cũng theo anh Huyền, tuy có trục trặc bước đầu vì thời tiết khắc nghiệt nhưng các hộ thành viên trong tổ nhóm đều quyết tâm khôi phục diện tích trồng theo hướng kết nối với doanh nghiệp (DN). Trước đó, Ban Phát triển xã cũng đã thành lập Tổ hợp tác thu mua chuối để đón đầu khi nông dân thu hoạch, nay vì chưa có sản phẩm nên tổ tạm thời ngưng hoạt động nhưng qua đó cho thấy đã có sự đổi mới trong sản xuất, kinh doanh.
Lâu nay, chuối trồng ở thôn Đầu Suối A tiêu thụ theo kiểu mạnh ai nấy bán, phổ biến là bán theo giá từng nải (5.000-6.000 đồng/nải), được tư thương địa phương vào tận vườn thu mua. Nhưng với việc thành lập nhóm cùng sở thích trồng chuối, sắp tới việc mua bán ở đây sẽ chuyển sang hình thức mới. Cụ thể, tổ nhóm đang khởi động thực hiện tiểu dự án liên kết với Cơ sở Sản xuất Minh Châu (phường Đô Vinh, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm). Theo hợp đồng đã ký, ngoài cam kết bao tiêu sản phẩm, thu mua chuối tươi với giá cao hơn thị trường từ 2.000-3.000 đồng/kg, trong quá trình hoạt động, DN sẽ từng bước chuyển giao kỹ thuật trồng trọt trong tổ nhóm. Đặc biệt, DN còn có trách nhiệm thuê đơn vị chức năng đủ điều kiện, thẩm quyền để chứng nhận VietGAP cho tổ nhóm cùng sở thích trồng chuối thôn Đầu Suối A. Nhìn chung đây là tiểu dự án có tính khả thi cao vì cùng với vốn tự đối ứng, DN còn được Quỹ cạnh tranh doanh nghiệp (CBG) hỗ trợ 300 triệu đồng cho việc thực hiện mục tiêu phát triển chuỗi giá trị chuối của thôn Đầu Suối A nói riêng và xã Phước Chiến nói chung.
Tuy bước khởi động trở ngại bởi thời tiết hạn hán kéo dài, nhưng có thể thấy dưới tác động của Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, nông dân trồng chuối ở thôn Đầu Suối A sẽ có đầu ra sản phẩm ổn định và xác lập được mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với nông dân và giữa tổ nhóm với DN trên. Theo anh Huyền, chính từ nhận thức đó, tổ nhóm cùng sở thích trồng chuối thôn Đầu Suối A đang chuẩn bị trồng lại diện tích chuối bị chết và kỳ vọng trong tương lai DN sẽ giúp phát triển chuỗi giá trị chuối của địa phương, hướng tới mục tiêu tăng thu nhập cho nông dân trồng chuối.
Bạch Thương