Hướng phát triển mới của nhóm nuôi dê sinh sản ở Thái Hòa

(NTO) Là một trong 8 thôn của xã Phước Thái thuộc vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông huyện Ninh Phước, Thái Hòa có diện tích tự nhiên 231,3 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp có 41,8 ha hầu hết là ruộng lúa nước 3 vụ, chịu ảnh hưởng của nguồn tưới từ kênh Nam và hồ chứa nước Tà Ranh. Ngoài trồng trọt, người dân Thái Hòa còn chăn nuôi bò, dê, cừu để cải thiện cuộc sống, đặc biệt là chú trọng đầu tư chăn nuôi dê và coi đây là chuỗi giá trị giúp thoát nghèo hữu hiệu.

 
Anh Trần Văn Hùng, Tổ trưởng nhóm nuôi dê sinh sản thôn Thái Hòa chăm sóc dê nuôi tại chuồng .

Để phát triển chuỗi giá trị dê, dưới sự hướng dẫn của Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp huyện (DASU) Ninh Phước và Ban Phát triển xã Phước Thái, cuối tháng 11-2014, tổ nhóm cùng sở thích chăn nuôi dê sinh sản thôn Thái Hòa được thành lập gồm 13 hộ thành viên, trong đó có 6 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo, do anh Trần Văn Hùng làm nhóm trưởng. Sau khi chính thức hoạt động, trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, từ nguồn vốn CDF (Quỹ Phát triển cộng đồng), đã có 9 con dê cái được chuyển giao cho tổ. Từ thực tế đời sống các hộ trong tổ nhóm, các thành viên đã họp bàn và thống nhất chọn 3 hộ khó khăn nhất để giao mỗi hộ 3 con dê để nuôi sinh sản. Ngoài ra Quỹ CDF còn hỗ trợ một số thực phẩm ban đầu và vật liệu cho các hộ trong tổ nhóm làm 6 chuồng nuôi, tổ cũng ưu tiên 3 chuồng cho 3 hộ nghèo nói trên. Tiếp đó được thêm nguồn tài trợ 100 triệu đồng từ Quỹ Tài trợ dự án nhỏ cạnh tranh (CSG), tổ góp thêm 3,5 triệu đồng mua dê giống về phân phối đều cho mỗi hộ 4 con, trong đó có 1 con dê đực giống bachboer được nuôi chung nhằm hướng tới lai tạo đàn dê của tổ. Anh Trần Văn Hùng cho biết: Trước đây dự án định giao cho 3 hộ nghèo đầu tiên nhận dê từ Quỹ CDF nuôi theo mô hình Heifer, tức là sau khi sinh ra dê con và nuôi trưởng thành, dê cái sẽ chuyển cho hộ khác nuôi. Nhưng để tạo sự công bằng, qua bàn bạc thống nhất của các hộ thành viên, tổ đề xuất với DASU huyện cho phép các hộ ấy không nuôi theo Heifer nữa mà chuyển sang toàn quyền sở hữu, tự chăm sóc dê nuôi sinh sản và hưởng lợi như các hộ nhận dê nuôi từ vốn Quỹ CSG.

Trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc có sừng nói chung và nuôi dê nói riêng, Thái Hòa có ưu thế vì địa bàn có đồng cỏ tự nhiên dồi dào, ngoài trồng cỏ, người dân còn tận dụng nguồn thức ăn sẵn có từ cây màu khác. Theo anh Hùng, do trong tổ có 7 hộ thành viên đều là người chăn nuôi dê lâu năm có sẵn bầy đàn, có đất trồng cỏ từ 500-700 m2 và có nhiều kinh nghiệm nên việc tương trợ cho 8 hộ nghèo, cận nghèo còn lại về kỹ thuật chăm sóc, thức ăn cho dê thuận lợi hơn. Đến nay trong số dê nuôi của tổ nhóm đã sinh sản được 22 dê con, riêng 3 hộ nghèo được ưu tiên nhận dê nuôi từ Quỹ CDF cũng đã có dê đẻ, trong đó có 2 hộ có dê đẻ được 2 con và 1 hộ có dê đẻ 1 con. Theo nhận định của các hộ thành viên, với đà này chắc chắn chỉ một thời gian nữa là đàn dê của tổ nhóm còn tăng lên nhiều.

Từ khi hoạt động đến nay, các hộ thành viên trong tổ nhóm cùng sở thích chăn nuôi dê sinh sản thôn Thái Hòa đã tham gia nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, tiêm phòng gia súc, cách thức buôn bán thông qua tổ… Điều đáng nói là không chỉ gắn kết các thành viên, tổ nhóm còn thực hiện tiểu dự án liên kết với Cơ sở kinh doanh dê, cừu Triệu Tín. Với vai trò đồng hành, doanh nghiệp (DN) trên đã cung cấp toàn bộ dê giống theo giá thị trường và cam kết bao tiêu sản phẩn, thu mua dê thịt giá cao hơn từ 1.000-3.000 đồng/kg theo giá trên thị trường. Trong quá trình liên kết, DN sẽ hỗ trợ mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi dê và hỗ trợ nhóm 20 con dê giống (trọng lượng 13-15 kg) theo giá ưu đãi để nuôi vỗ béo bán lại cho DN. Trước mắt việc giao dê nuôi vỗ béo sẽ thí điểm tại hộ anh Hùng và 1 hộ trong nhóm, nếu thực hiện có hiệu quả, bảo đảm uy tín, DN sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng cho cả tổ.

Có thể nói qua tổ nhóm, đã giúp chấm dứt được tình trạng bị tư thương ép giá và người nuôi dê được tiếp nhận cung cách sản xuất kinh doanh kiểu mới, an toàn. Đặc biệt là nhờ tác động từ Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, với việc hợp tác của các hộ thành viên và liên kết với Cơ sở kinh doanh dê cừu Triệu Tín, tổ nhóm nuôi dê sinh sản thôn Thái Hòa sẽ hưởng lợi nhanh chóng hơn. Hướng tới lâu dài, tổ tạo dựng giá trị kinh tế và điều kiện cho hộ thành viên có cơ hội thoát nghèo bền vững, cải thiện dần chất lượng cuộc sống.