Anh Đoàn Hùng Anh chăm sóc vườn táo sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Chúng tôi đến Bảo Vinh khi nơi đây vừa kết thúc mùa thu hoạch táo, đa số nông dân đang cắt cành, sửa sang lại vườn táo chuẩn bị cho vụ kế tiếp. Được sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ tam nông tỉnh, để phát triển chuỗi giá trị táo, Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp huyện (DASU) Ninh Phước và Ban Phát triển xã Phước Vinh đã thành lập 3 tổ nhóm cùng sở thích trồng táo thôn Bảo Vinh, trong đó có 2 tổ thành lập từ tháng 12-2013 và 1 tổ vừa hình thành vào giữa tháng 2 năm nay. Bước đầu quỹ Tài trợ dự án nhỏ cạnh tranh (CSG) thuộc Dự án Hỗ trợ tam nông tỉnh đã hỗ trợ 100 triệu đồng cho tổ nhóm trồng táo 2 do anh Đoàn Hùng Anh làm nhóm trưởng. Chính thức hoạt động từ đầu năm 2014, tổ nhóm trồng táo 2 có 16 hộ thành viên, trong đó có 5 hộ cận nghèo, với diện tích canh tác táo 3,8 ha. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết sau khi có nguồn hỗ trợ của quỹ CSG, các hộ thành viên đã đóng góp thêm 36 triệu đồng mua chung phân bón, thuốc bảo vệ thực vật rồi chia ra tùy theo diện tích tham gia mô hình của hộ. Ngoài ra, từ nguồn tài trợ của quỹ Phát triển cộng đồng (CDF), mỗi hộ thành viên còn được nhận 7 triệu đồng để thực hiện quy trình sản xuất an toàn, chất lượng.
Từ khi hoạt động đến nay, các hộ thành viên trong tổ nhóm trồng táo 2 đã tham gia 3 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc táo theo hướng VietGAP và đang khởi động thực hiện tiểu dự án liên kết với Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất-thương mại-dịch vụ Ba Mọi ở thôn Hiệp Hòa (xã Phước Thuận, Ninh Phước). Theo anh Đoàn Hùng Anh, táo trồng ở Bảo Vinh có trái to, đẹp và được các chuyên gia đánh giá có chất lượng ngon vào hạng bậc nhất trong tỉnh nên trước đây việc tiêu thụ rất dễ dàng. Tuy nhiên do thị trường tiêu thụ hoàn toàn phụ thuộc vào tư thương nên giá cả bấp bênh, người trực tiếp làm ra sản phẩm không bao giờ bán theo giá mong muốn, thường tư thương cho giá nào thì bán theo giá ấy. Vì vậy với việc ký hợp đồng với DN, các tổ nhóm cùng sở thích trồng táo thôn Bảo Vinh nói chung và tổ nhóm 2 nói riêng kỳ vọng sẽ có đầu ra ổn định cho sản phẩm táo trong thời gian đến. Ngoài cam kết thu mua táo tươi với giá cao hơn từ 1-5% giá trên thị trường, trong quá trình liên kết bao tiêu nông sản, DN còn tài trợ mở các lớp tập huấn sản xuất an toàn cho nông dân và hướng dẫn quy trình thực hiện, giúp các thành viên trong nhóm có giấy chứng nhận sản xuất VietGAP.
Trong thực tế, để khuyến khích nông dân tham gia tiểu dự án chú trọng hơn vào việc nâng cao chất lượng táo, DN Tư nhân SXTMDV Ba Mọi sẽ sẵn sàng mua giá cao hơn cam kết. Anh Nguyễn Đình Tiến, thành viên tổ nhóm trồng táo 2, có 5 sào táo (trong đó có 3 sào đã cho trái) cho biết: Vụ thu hoạch tháng trước trong khi giá thị trường chỉ 4.000-4.500 đồng/kg, chủ DN trên đã đồng ý mua với giá 8.000 đồng/kg sau khi nhìn tận mắt táo trái của anh trồng. Nhận thức rõ liên kết sẽ tạo cơ hội cho nông dân, với trách nhiệm trưởng nhóm, anh Đoàn Hùng Anh đang tích cực vận động các thành viên tổ mình tham gia các hoạt động do DN Tư nhân SXTMDV Ba Mọi triển khai, đồng thời tổ chức triển khai các hoạt động mà Dự án Hỗ trợ Tam nông hỗ trợ nhằm đem lại hiệu quả thiết thực.
Tuy chỉ mới bước khởi động, nhưng có thể thấy dưới tác động của Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, nông dân trồng táo ở Bảo Vinh sẽ có đầu ra sản phẩm ổn định và xác lập được mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với nông dân và giữa tổ nhóm với DN. Đặc biệt qua tiếp cận với nông dân, DN tư nhân SXTMDV Ba Mọi nắm rõ nguồn hàng và thiết lập mối quan hệ làm ăn bền vững, 2 bên cùng có lợi, hướng tới mục tiêu tăng thu nhập cho nông dân trồng táo và phát triển chuỗi giá trị táo của địa phương.
Bạch Thương