Kỷ niệm 67 năm Ngày Thể thao Việt Nam 27-3: Khắc ghi lời Bác

“Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe." 67 năm đã qua, song những lời giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân tập thể dục vẫn thôi thúc, đầy sức thuyết phục.

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được khai sinh cùng bao khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta đề ra nhiều chủ trương hết sức đúng đắn, kịp thời, toàn diện. Bên cạnh những vấn đề chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm còn là vấn đề sức khoẻ của nhân dân, vì thế, ngày 31/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nha Thể dục Trung ương thuộc Bộ Thanh niên, tiền thân của ngành Thể dục thể thao ngày nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên tập luyện thể dục thể thao. Ảnh tư liệu

Để tăng cường và mở rộng các hoạt động thể dục thể thao và trực tiếp chỉ đạo công tác giáo dục thể chất cho thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tiếp Sắc lệnh số 33 ngày 27/3/1946 thành lập Nha Thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục.

Ngành Thể dục thể thao mới là cơ quan tham mưu của Chính phủ cách mạng do Hồ Chủ tịch đứng đầu. Đây là cơ quan quản lý, điều hành công tác Thể dục thể thao trong phạm vi cả nước. Ngành Thể dục thể thao mới là cơ quan đặc trách công tác Thể dục thể thao vì lợi ích của nhân dân và đất nước. Điều đó chưa từng có trong lịch sử dân tộc Việt Nam từ trước Cách mạng tháng Tám.

Tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ hướng cho sự hình thành và phát triển nền Thể dục thể thao mới. Để nền thể thao mới hình thành và phát triển mang bản chất cách mạng, vì lợi ích của toàn dân và đất nước thì điều cơ bản nhất là có sự định hướng đúng đắn, chỉ ra được mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng. Để đáp ứng điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục" vào cuối tháng 3/1946.

Người viết: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công.

Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe.

Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe.

Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước.

Việc đó không tốn kém, khó khăn gì, gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi người lúc ngủ dậy, tập ít phút thể dục, ngày nào cũng tập thì khí khuyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy là sức khỏe.

Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ai cũng gắng tập thể dục.

Tự tôi ngày nào cũng tập”.

“Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Bác Hồ mở đầu cho sự phát triển mạnh mẽ của những phong trào thể dục thể thao ở khắp cả nước với mục tiêu Khỏe vì nước, cũng như nền thể thao nước nhà từ đó cho đến nay.

Qua các thời kỳ, các giai đoạn, với những tên gọi như Nha Thể thao Trung ương thuộc Bộ Thanh niên, Nha thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục (1946), Ban Thể dục thể thao Trung ương (1957), đổi thành Ủy ban Thể dục thể thao (1960), Ủy ban Thể dục thể thao và hiện tại là Tổng cục Thể dục thể thao, Thể thao Việt Nam đã hiện diện trên tầm quốc tế.

Ngày 29/1/1991, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 25/CT về việc lấy ngày 27/3 hàng năm làm “Ngày Thể thao Việt Nam”. “Ngày Thể thao Việt Nam” được tổ chức hàng năm nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động văn hoá thể thao lành mạnh.

Lớn mạnh cùng đất nước, ngành Thể dục thể thao Việt Nam cũng đã có những bước đi mạnh mẽ, không chỉ từ nội lực với các hoạt động phong trào, các sự kiện đỉnh cao mà còn hội nhập quốc tế cùng nhiều thành công đầy dấu ấn với điều Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng đến – “Khoẻ vì nước”.

Thể thao Việt Nam hiện nay đang có một thế hệ VĐV tài năng, sẵn sàng tranh tài
ở đấu trường quốc tế. Ảnh: T.N

Từ dấu ấn đầu tiên của cố xạ thủ Trần Oanh của thập niên 60 – vô địch thế giới môn bắn súng ổ quay (tại Tiệp Khắc cũ), đến nay, đội ngũ những nhà vô địch thế giới, vô địch châu lục của thể thao Việt Nam có Nguyễn Thúy Hiền, Nguyễn Thị Mỹ Đức (wushu), Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Lê Quang Liêm, Nguyễn Anh Khôi, Nguyễn Thị Mai Hưng (cờ vua), Nguyễn Hoàng Ngân, Lê Bích Phương, Vũ Thị Nguyệt Ánh (karate), Nguyễn Hà Thanh, Phan Thị Hà Thanh, Phạm Phước Hưng (thể dục dụng cụ), Trương Thanh Hằng (điền kinh), Hoàng Xuân Vinh, Hà Minh Thành (bắn súng), Nguyễn Thị Lụa (vật tự do)...

Trong quá trình phát triển, không chỉ tập trung ở những môn thế mạnh ban đầu như bắn súng, võ thuật, cờ vua, thể thao Việt Nam bắt đầu sở hữu những tài năng xuất sắc ở các môn thể thao trong hệ thống Olympic như thể dục dụng cụ, cầu lông, điền kinh, bơi lội, vật...

Thành tích của các VĐV Việt Nam trên đấu trường quốc tế cũng là một phần lý do quan trọng để Thể thao Việt Nam được trao quyền đăng cai các sự kiện của khu vực, của châu lục như SEA Games 22 (năm 2003), Asian Indoor Games 3 (2009) và trong tương lai là Asian Beach Games 2016 và Asian Games 2019.

Thể thao Việt Nam sẽ có phát triển, còn lớn mạnh, nhưng rốt cuộc, tất cả vẫn phải nhìn về gốc rễ, với tư tưởng và tầm nhìn xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự khởi đầu. Vì thế, trong quá khứ, hiện tại và tương lai, phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” sẽ càng đẩy mạnh những hoạt động thể thao đa dạng và phong phú dưới nhiều hình thức từ cấp cơ sở đến trung ương, tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về tập luyện thể thao, tăng cường sức khỏe...

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam