Tham dự buổi tọa đàm có đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành và 9 tỉnh, thành phố phía Bắc.
Phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Thế Trung khẳng định: Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta luôn khẳng định công tác dân vận của Đảng là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài của cách mạng nước ta. Làm tốt công tác dân vận của Đảng là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự phát triển bền vững, lâu dài của đất nước. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, làm tốt công tác dân vận của Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, tạo thế và lực mới cho dân tộc trong thời kỳ mới.
Tuy nhiên, những năm gần đây tình hình đô thị hóa, công nghiệp hóa phát triển nhanh, việc lập quy hoạch đất, giá cả đền bù đất khi thu hồi làm các dự án, các công trình và nhất là việc thực hiện các quy trình dân chủ, công khai liên quan đến việc quy hoạch, mức giá đền bù, thu hồi đất và công tác vận động quần chúng khi giải phóng mặt bằng đang còn nhiều vấn đề bất cập, dẫn đến tình trạng khiếu kiện vượt cấp kéo dài, gây mất ổn định, bức xúc trong nhân dân, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Đồng chí Nguyễn Thế Trung, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương
phát biểu tại buổi tọa đàm - PC
Để tạo sự đồng thuận của nhân dân trong đền bù, giải phóng mặt bằng đất đai hiệu quả, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương đề nghị các đại biểu phân tích, làm rõ một số vấn đề lý luận về công tác dân vận trong thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng đất đai. Đánh giá thực trạng công tác dân vận của chính quyền, mối quan hệ giữa Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội với cấp ủy trong việc thực hiện công tác vận động quần chúng tham gia việc thu hồi, đền bù và giải phóng mặt bằng đất đai. Đề xuất các giải pháp về công tác dân vận liên quan đến đền bù, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến đất đai…
Trình bày tham luận về tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy đảng đối với công tác dân vận của các cơ quan chính quyền, đồng chí Đỗ Vũ Chung, Trưởng Ban Dân vận tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trong những năm qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy các cấp, sự tích cực của các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng, tạo được sự thống nhất của hệ thống chính trị trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Năm 2011, tỉnh Quảng Ninh có 315 dự án đang được triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng với tổng diện tịch phải thu hồi 3.673 ha; cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp hơn 6.700 lượt công dân. Nhờ chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị nên tất cả các vụ cưỡng chế thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thời gian qua diễn ra an toàn, những vấn đề phát sinh sau cưỡng chế được giải quyết hợp lý.
Trình bày tham luận về công tác dân vận của chính quyền trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đất đai, đại biểu Ban Dân vận tỉnh Bắc Ninh cho rằng: Đền bù giải phóng mặt bằng đất đai được hiểu là quá trình thu hồi đất nông nghiệp để giao cho các doanh nghiệp, thực hiện các dự án được duyệt, đền bù cho các hộ nông dân có đất bị thu hồi, tạo việc làm ổn định cuộc sống. Nhưng thực tế cho thấy, thực hiện chính sách thu hồi đất sản xuất trong thời gian qua vẫn chủ yếu thông qua quyết định hành chính, chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyên truyền, thuyết phục dẫn đến đời sống của người dân có đất nông nghiệp sau khi bị thu hồi giảm đi, việc làm cho người dân chưa được quan tâm đúng mức… Từ thực tế trên đòi hỏi Nhà nước phải hoạch định chính sách thu hồi đất nông nghiệp một cách đồng bộ, gắn việc phát triển các khu công nghiệp, đô thị với chiến lược đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động xã hội là chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời, phải quan tâm đến chính sách an sinh xã hội với người nông dân nói chung, người nông dân có đất thu hồi nói riêng, góp phần đảm bảo an ninh nông thôn, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư có hiệu quả cho sự nghiệp phát triển kinh tế bền vững
Quang cảnh buổi tọa đàm - Ảnh: PC
Chia sẻ kinh nghiệm về công tác phối hợp tham gia giải quyết khiếu kiện đông người, các điểm “nóng” liên quan đến đất đai, đại diện Ban Dân vận tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: Cần phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức, hiểu viết về pháp luật cho nhân dân để thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đúng quy trình, pháp luật. Khi tình huống xảy ra bằng mọi cách tiếp cận, nắm tình hình, bản chất của sự việc, xác định rõ đối tượng để tuyên truyền, giải thích, đồng thời, chọn đúng thời điểm giải đáp những tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người dân, đặt lợi ích của nhân dân trên hết.
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cũng đã đưa ra một số kiến nghị trong đền bù, giải phóng mặt bằng đất đai là cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, xây dựng chế độ trách nhiệm, kế hoạch thực hiện của cấp ủy chính quyền, các đoàn thể quần chúng. Đồng thời, đẩy nhanh hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất đai. Các cấp, các ngành phải làm tốt công tác quản lý đất đai, đặc biệt quy hoạch, kế hoach sử dụng đất; xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, đồng thời thực hiện chính sách tạo điều kiện cho người dân có đất sản xuất, đất ở, việc làm để ổn định cuộc sống khi bị Nhà nước thu hồi đất; công khai chế độ, chính sách về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Thế Trung biểu dương các địa phương thực hiện tốt công tác dân vận của chính quyền trong giải phóng mặt bằng thời gian qua. Đồng chí đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu, góp phần làm sáng tỏ hơn về công tác dân vận của chính quyền trong đền bù, giải phóng mặt bằng đất đai, những ý kiến này góp phần quan trọng để Ban Dân vận Trung ương phối hợp với các bộ, ngành xây dựng văn bản hướng dẫn cho các địa phương thực hiện công tác dân vận trong tham gia giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án ở cơ sở.
Trong thời gian tới, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương yêu cầu thống kê những hậu quả, vụ việc phức tạp xảy ra để gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh tại địa phương, tránh ảnh hưởng tới môi trường đầu tư; tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của nhà nước về đất đai; phối hợp với Mặt trận tổ quốc và các cơ quan đoàn thể tham gia thực hiện. Đặc biệt, cán bộ công chức nhà nước cần làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng chính sách pháp luật của nhà nước, đồng thời, quá trình giải quyết công tác giải phóng mặt bằng cần được thực hiện một cách chuyên nghiệp, có trách nhiệm với dân; thường xuyên đổi mới phương pháp vận động; đấu tranh với các đối tượng xấu xúi giục, kích động nhân dân; tập trung chỉ đạo giải quyết những vụ việc khiếu kiện kéo dài; tăng cường công tác quản lý báo chí để tuyên truyền đúng tôn chỉ mục đích, khách quan và đúng định hướng./.
Nguồn cpv.org.vn