Tham gia và chủ trì hội thảo có Tiến sĩ Patrick M.Cronin - Cố vấn Cao cấp và Giám đốc Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương của Đại học Tổng hợp George Mason, Giáo sư Huang Jing - Giám đốc Trung tâm châu Á và Toàn cầu hóa thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu của Singapore và gần một trăm nhà nghiên cứu, ngoại giao nhiều nước. Các đại biểu nhận định các nước tuyên bố chủ quyền biển Đông cần tuân thủ Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) tháng 11-2002 để tiến hành các cuộc đàm phán nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền biển Đông một cách hòa bình và các bên cùng có lợi.
Hải quân Việt Nam canh giữ khu vực đảo Phan Vinh (trước đây có tên là đảo Hòn Sập),
thuộc quần đảo Trường Sa. (Hình ảnh đăng trên trang web của Hội châu Á để giới thiệu về hội thảo).
Trao đổi với Asia Blog, ông Huang Jing nhận định rằng, DOC đến nay có thể chưa phải là công cụ giúp giải quyết vấn đề tranh chấp ở biển Đông một cách triệt để, tuy nhiên, ít nhất đây cũng là cách giúp căng thẳng giữa các bên không đi đến leo thang bạo lực.
Khi được hỏi về khả năng một trong những bên tranh chấp sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết vấn đề tranh chấp, ông Huang Jing nhận định điều nguy hiểm là, khi một quốc gia đối mặt với khủng hoảng, bao gồm khủng hoảng chính trị trong nước và khó khăn kinh tế, họ sẽ tỏ ra là “anh hùng” trên trận địa ngoại giao, nhất là liên quan đến tranh chấp chủ quyền để xoa dịu những rắc rối trong nước.
Hội châu Á được thành lập năm 1956, là tổ chức phi lợi nhuận có nhiệm vụ phổ biến các vấn đề liên quan đến châu Á trên toàn thế giới. Hội có các trung tâm tại nhiều thành phố lớn của Mỹ, Trung Quốc, Philippines, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia. Trụ sở chính của Hội châu Á đặt tại thành phố New York.
Nguồn Báo SGGP Online