Vùng biển Ninh Thuận có trên 500 loài cá, trong đó nhóm cá nổi có trên 146 loài, nhóm cá đáy có 392 loài, vùng biển có độ sâu từ 200m trở vào có khoảng 100 loài hải sản có giá trị kinh tế thuộc 4 nhóm động vật chủ yếu là giáp xác, nhuyễn thể, da gai và cá; tổng trữ lượng hải sản có khoảng 120.000 tấn, trong đó cá đáy là 70-80 ngàn tấn, cá nổi khoảng 30-40 ngàn tấn, trữ lượng cho phép khai thác hàng năm từ 50-60 ngàn tấn hải sản các loại.
Nhân viên Trạm Bảo vệ san hô Mỹ Hiệp (Thanh Hải, Ninh Hải) tăng cưởng bảo vệ nguồn tài nguyên biển.
Ảnh: Sơn Ngọc
Tài nguyên dưới lòng biển của Ninh Thuận cũng rất dồi dào: có nguồn lợi san hô đa dạng, phong phú về thành phần loài, có 120 loài san hô cứng, có 65 giống.
Toàn tỉnh có khoảng 3.000 - 4.000 ha diện tích mặt nước lợ, mặn gồm các đầm, vịnh thuận lợi cho việc đưa vào nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn như Đầm Nại, An Hải, Sơn Hải, Phú Thọ; phát triển loại hình nuôi lồng, bè ở các đầm vịnh ven biển như đầm Vĩnh Hy có độ sâu ổn định từ 1-5m có thể nuôi trồng các loại hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, cá mú, rong sụn, nhuyễn thể. Nhờ có nhiệt độ ổn định từ 28-30oC, độ mặn cao và ổn định từ 32-35o/oo, môi trường biển sạch, đáp ứng điều kiện sản xuất giống tập trung quy mô lớn.
Bờ biển Ninh Thuận có các bãi tắm nổi tiếng như: Ninh Chử - Bình Sơn, Cà Ná gắn với khả năng phát triển mạnh ngành du lịch, dịch vụ. Địa hình Ninh Thuận có các dãy núi sát biển, gắn với Vườn Quốc gia Núi Chúa có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp.
Tài nguyên biển Ninh Thuận là một trong những điều kiện để phát triển mạnh kinh tế biển (công nghiệp, du lịch và thủy sản), đưa những ngành này trở thành những ngành có vị trí quan trọng, hình thành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay Ninh Thuận đang gặp phải những khó khăn, thách thức như: Tai biến tự nhiên, điều kiện thủy- hải văn vùng bờ khá phức tạp, vùng ven biển chịu nhiều tác động đến tài nguyên và môi trường vùng bờ, các tác động của bão, lũ, xâm nhập mặn, xói lở bờ biển, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Các hoạt động kinh tế chưa được quy hoạch đúng, phân vùng sử dụng vùng biển, đã xuất hiện sự phát triển chồng chéo và gây lên những tác động không tốt qua lại giữa các ngành kinh tế và tới môi trường, mục tiêu phát triển bền vững không được đảm bảo. Khu vực ven biển của tỉnh tỷ lệ nghèo còn khá cao, phần lớn người dân sống bằng nghề truyền thống phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, trình độ học vấn còn hạn chế, khai thác nguồn lợi từ biển còn chưa đúng cách, một số còn mang tính chất hủy diệt, những điều đó đã dẫn đến nguồn tài nguyên biển ngày dần cạn kiệt, khả năng phục hồi rất chậm.
Công tác quản lý nhà nước sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng biển, ven biển còn mang tính đơn ngành, thiếu quy hoạch tổng thể, phân vùng chức năng sử dụng, gây ảnh hưởng tới môi trường vùng ven biển, tài nguyên biển khai thác chưa được hiệu quả, chưa tạo được môi trường phát triển bền vững cho người dân địa phương vùng ven biển.
Vì thế cần có một giải pháp tổng thể để quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững nguồn tài nguyên biển tại Ninh Thuận. Giải pháp được đề xuất ở đây là cần thực hiện biện pháp quản lý tổng hợp đới bờ (QLTHĐB). QLTHĐB là phương thức quản lý nhằm đạt hiệu quả cao trong sử dụng các tài nguyên, trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các ngành và các bên liên quan khác nhau.
Ở nước ta, QLTHĐB đã đạt nhiều thành công tại các địa phương như Đà Nẵng, Nam Định, Thừa Thiên – Huế, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ninh, Quảng Nam, QLTHĐB đã hình thành cơ chế điều phối, hợp tác đa ngành được hình thành và củng cố; cơ sở dữ liệu tổng hợp về đới bờ được hình thành; các công cụ phục vụ Quản lý tổng hợp đới bờ được thiết lập và năng lực cán bộ địa phương về QLTHĐB được nâng cao. Tầm nhìn chiến lược và định hướng phát triển bền vững được hình thành tại các địa phương ven biển này. Cho đến nay, QLTHĐB được coi là cách tiếp cận phù hợp trong quản lý tài nguyên và môi trường đới bờ, hướng tới phát triển bền vững. Thiết nghĩ, tỉnh ta cũng cần nghiên cứu, áp dụng phương pháp quản lý này vào thực tế của địa phương, đảm bảo quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên biển quý giá đã được thiên nhiên ban tặng.
Đỗ Phước Vinh