Do điều kiện sinh sống, làm ăn và điều chuyển công tác, nhiều chiến sĩ Điện Biên năm xưa đã chọn Ninh Thuận là nơi gắn bó những năm tháng cuối đời. Để rồi, những chiến sĩ năm xưa là những nhân chứng sống kể lại cho những thế hệ con, cháu sau này về năm tháng hào hùng của dân tộc.
Giữa cái nắng đầu hè tháng 5, chúng tôi cùng đoàn công tác của Tỉnh ủy đến thăm ông Nguyễn Văn Thiện, tại khu phố 1, phường Đài Sơn (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm). Trong bộ quân phục màu cỏ đã bạc màu, ở ngưỡng tuổi 91 xưa nay hiếm, sức khỏe dù có yếu đi, nhưng ông vẫn còn minh mẫn. Tuy không nói được lưu loát từng câu, nhưng khi biết chúng tôi ngỏ lời muốn nghe kể lại kỷ niệm từng là thanh niên xung phong tham gia dân công hỏa tuyến trong thời kháng chiến chống Pháp tại Điện Biên Phủ, ông lại rưng rưng, xúc động hồi tưởng rành mạch những mốc thời gian năm xưa. Ông kể: Năm 1952, ông 21 tuổi, cũng như bao thanh niên khác trong làng, theo lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ, ông Thiện hăng hái xung phong lên đường tham gia thực hiện nhiệm vụ vận chuyển lương thực và sửa đường cho bộ đội từ Dốc Giang (Thanh Hóa) đến Hòa Bình. Lúc bấy giờ, công việc làm đường vô cùng khó khăn, mọi việc từ phá đá, đào đất chỉ dựa vào sức người là chính với các dụng cụ chỉ có xe đạp, cuốc, xẻng gấp thô sơ. Khó khăn nhất với ông và đồng đội khi đó là những đoạn đường bị bom đánh phá, nhiệm vụ đều phải thực hiện vào ban đêm để tránh địch phát hiện, rồi những lúc vào mùa mưa, bầu trời xám xịt màu chì, mưa tầm tã, nhưng cả đội vẫn thay nhau dùng đá làm đường, lấp đất để đảm bảo tuyến đường được lưu thông tốt. Đến tháng 3/1954, quân ta nổ súng tấn công cứ điểm Điện Biên Phủ, do yêu cầu khẩn cấp của chiến trường, ông Thiện lại tiếp tục tham gia công tác vận tải lương thực từ Thanh Hóa đến Hòa Bình tiếp tế cho bộ đội. Thời điểm đó, mỗi dân quân được quy định vác 25kg lương thực. Ban ngày, do máy bay oanh tạc dữ dội hầu như không đi được nên mọi công việc đều phải thực hiện vào ban đêm, đều đặn như thế hành quân không nghỉ. Ngoài vận chuyển lương thực, ông và đồng đội còn làm nhiều công việc khác như tiếp nhận, vận chuyển thương bệnh binh từ chiến trường về Khu 4, tải đạn cho chiến trường... Suốt những năm tháng băng rừng lội suối, ăn cơm nắm, rau rừng, sống cùng muỗi, vắt, côn trùng và đối mặt với bom đạn của quân địch có thể trút xuống bất cứ lúc nào. Nhưng với tinh thần “tất cả vì tiền tuyến” đã không làm nản chí người dân công hỏa tuyến, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Đồng chí Lê Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thăm thân nhân gia đình ông Hàn Ngọc Trai, thôn Đắc Nhơn 3, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn).
Khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, ông Thiện trở lại quê nhà ở tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tham gia vào các phong trào cứu quốc, đảm nhận nhiều nhiệm vụ công tác ở địa phương. Đến năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ông Thiện được điều vào tỉnh Thuận Hải công tác trong ngành ngân hàng. Năm 1986, ông Thiện vinh dự được Nhà nước trao tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất vì đã có thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tuổi về già, khi dấu vết thời gian đã in hằn lên làn da, mái tóc, cái tuổi nhớ nhớ, quên quên nhưng những kỷ niệm làm dân công hỏa tuyến trong thời kháng chiến chống Pháp tại Điện Biên Phủ mãi luôn là những ký ức đẹp trong cuộc đời ông Thiện. Những ký ức đẹp ấy là minh chứng sinh động, chân thực nhất về một thời trang sử vàng hào hùng vì độc lập, tự do cho dân tộc.
Sau 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tại tỉnh Ninh Thuận, theo thống kê ban đầu có 6 chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, nhằm tri ân và tôn vinh những người đã từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như thân nhân các gia đình chiến sĩ Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức các đoàn đến thăm, tặng quà 100% chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến hiện còn sống và thân nhân gia đình chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nay đã từ trần; Đảng, Nhà nước và tỉnh ta luôn đặc biệt quan tâm và lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa” với tinh thần trách nhiệm, triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ cụ thể, thiết thực đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, những người có công với cách mạng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên và nghĩa tình.
Nhận quà của tỉnh do đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đến thăm, trao tặng tại gia đình, bà Lê Thị Mạc vợ ông Hàn Ngọc Trai, thôn Đắc Nhơn 3, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn), chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ (nay đã từ trần), vô cùng xúc động chia sẻ: Cụ được các con cháu chăm sóc rất tốt, chính quyền địa phương cũng thường xuyên quan tâm, thăm hỏi gia đình, điều đó làm cho gia đình tôi rất ấm lòng. Nối tiếp truyền thống cách mạng của gia đình, bà khẳng định sẽ luôn gìn giữ, phát huy truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, sống gương mẫu, giáo dục thế hệ con cháu học tập, lao động, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp vào sự phát triển của địa phương. Bà Mạc cũng tự hào chia sẻ, ông Hàn Ngọc Trai xung phong ra mặt trận chiến đấu với quân thù năm 1951 với chức vụ là chiến sĩ, tham gia trực tiếp chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến năm 1956, ông xuất ngũ trở về địa phương tỉnh Thanh Hóa công tác bên ngành ngân hàng. Sau đó năm 1984 được điều động về tỉnh Thuận Hải sau chia tách về tỉnh Ninh Thuận công tác và ông mất năm 2021.
Bồi hồi, xúc động khi được gặp, trò chuyện với những nhân chứng và thân nhân của những chiến sĩ từng tham gia chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giúp chúng tôi hiểu thêm về sự cống hiến, hy sinh của thế hệ đi trước để có được độc lập, tự do, hòa bình của dân tộc hôm nay. Trong số họ, nhiều người đã không trở về, có người gửi lại thanh xuân nơi chiến trường ác liệt; người đã mất do tuổi cao sức yếu. Song tất cả các chiến sĩ năm ấy luôn sống mãi trong trái tim của mỗi người dân đất Việt, là tấm gương sáng về bài học cách mạng sâu sắc cho thế hệ trẻ hôm nay.
Kim Thùy